Egypt Israel Oct 2007




Bấm nút "Download Now"
để cài Windows Media Player. 
Windows Media Player 11
Download Now

Windows Media Download Center
 

Thursday, June 30, 2005

DẤN THÂN RA KHƠI – LOAN BÁO TIN MỪNG

I. DẤN THÂN RA KHƠI
Dấn thân - Ra khơi khởi đi từ đâu ?
Trước đây ta cứ tưởng ra khơi chỉ đơn giản là ra khỏi nhà mình và ta phải dấn thân vào nơi thử thách, trở ngại như những sóng gió giữa biển khơi mịt mùng đầy bão tố và nguy hiểm. Ta sẽ phải chiến đấu trong một trận chiến thiêng liêng đầy cam go và thử thách với Satan và bè lũ của chúng.
Nhưng theo ánh mắt tâm linh ra khơi chính là ra khỏi Căn Nhà Tù Túng Cái Ta Của Mình để bơi lội trong biển khơi bát ngát nghìn trùng của tình yêu Chúa. Nói cách khác, đó chính là những giây phút sống kết hiệp thân mật với Chúa. Đốt tàu cũng vậy, đó chính là đốt con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối - kể cả những lừa dối rất dỗi thánh thiện như những trường hợp thúc giục nhau đi Loan Báo Tin Mừng như vẹt. Vậy ta phải đốt con người cũ để mặc con người mới - là con người đã đuợc sinh ra theo hình ảnh của Thiên Chúa. Như thế, ra khơi hay đốt tàu chính là từ bỏ cái ta - sống kết hiệp với Chúa để nếm thử, để cảm nghiệm hương vị ngọt ngào, bình an và hoan lạc trong Thần Khí của Ngài. Chính niềm bình an và hoan lạc này là Tin mừng đang toả hương ngọt ngào trong ta.
II. LOAN BÁO TIN MỪNG
Công Cuộc Loan Báo Tin Mừng của chúng ta phải theo tuyên ngôn của Đức Giêsu. Ta xin giới thiệu câu Kinh Thánh rất quen thuộc làm nền tảng:
Thần Khí Chúa ngự trên ta, vì Chúa đã xức dầu tấn phong ta, để ta loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai ta đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức,(Lc 14:18)
Trước hết ta xin mạn phép nói cách khác cho dễ hiểu hơn
Thần Khí Chúa ngự trên ta,
vì Chúa đã xức dầu tấn phong ta,
để ta loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn.
Người đã sai ta đi công bố
cho kẻ bị giam cầm biết họ vốn tự do
cho người mù biết họ vốn sáng mắt,
cho người bị áp bức biết họ vốn ung dung thoải mái
Đây không phải là ta dám cả gan sửa lại Lời Chúa, nhưng ta chỉ nói cách khác - một cách cho người bình dân dễ hiểu mà thôi.
Ta xin phép phân tích lại từng đoạn

1. ĐIỀU KIỆN CỦA LOAN BÁO TIN MỪNG
Điều kiện buộc phải có cho Công Cuộc Loan Báo Tin Mừng chính là cảm nhận thực sự Thần Khí Chúa ngự trên ta với một niềm xác tín sâu xa và sống động. Như ta đã chia sẻ trong những bài trước, muốn cảm nhận Thánh Thần hiện diện và sống trong tâm mình thì trước hết phải tin rằng :
Ta là con Thiên Chúa, do chính Ngài sinh ra - ta phải nội tâm hoá lời Chúa trong Tin Mừng Gioan
Ta được sinh ra, không phải do khí huyết,
cũng chẳng do ước muốn của nhục thể,
hoặc do ước muốn của người đàn ông,
nhưng do bởi Thiên Chúa.(Ga 1:13)
Trước khi sinh ta ra, Ngài đã chuẩn bị cho ta rất chu đáo: Ngài đã thánh hoá từng người trong chúng ta bằng chính Thần khí của Ngài, nhờ đó ta vốn thánh thiện từ đầu đến chân. Và Ngài xức dầu tấn phong ta làm ngôn sứ cho muôn dân - không phải dùng dầu Ô-liu, nhưng Chúa Cha đã dùng Thánh Thần mà thánh hiến ta, tiền định cho ta làm ngôn sứ. Có như vậy Công Cuộc Loan Báo Tin Mừng của ta mới danh chính ngôn thuận bởi chính Chúa đã giao trọng trách này cho ta ngay từ khi ta còn trong lòng mẹ cơ mà.
"Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi;
trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi,
Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân."(Gr 1:5)
Còn khi ta chịu phép thánh tảy thì cũng như Đức Giêsu ngày xưa, trước khi lên đường Công Cuộc Loan Báo Tin Mừng, ta đã lãnh nhận sứ mạng do chính Chúa Cha một cách công khai trước linh mục, cha mẹ, ho hàng…
Khi Đức Giê-su chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người.17 Và có tiếng từ trời phán: "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người."(Mt 3:16-17)
Như vậy, tự bản chất, ta đã là ngôn sứ của Chúa, nhờ Thần Khí Chúa ngự trên ta – và đây cũng chính là điều kiện căn bản của Công Cuộc Loan Báo Tin Mừng. Thiếu điều kiện này thì Công Cuộc Loan Báo Tin Mừng lập tức sẽ rơi vào khủng hoảng cho cả người loan báo lẫn người-bị-nghe-Tin-Mừng vì không có sức sống của Thần khí Thiên Chúa. Từ khám phá tuyệt vời này, quan niệm ta thay đổi hoàn toàn. Ta bắt đầu tập sống với Chúa với tư cách một người con yêu dấu của Ngài, nhờ sức mạnh của Thần Khí ngay trong tâm mình. Quả thật ta cảm nhận rõ ràng mình nghiệm được hương vị bình an và hoan lạc trong Thánh Thần và đây cũng chính là Tin Mừng mà ta cần phải loan báo cho người khác.
Xin quý vị lưu ý: Thần Khí Chúa ngự trên ta không có nghĩa là có ông Thánh Thần ngự ở bên trên đầu ta như vị chỉ huy, nhưng thực ra Thần Khí Chúa ở ngay trong tâm ta, là nguồi sống, nguồn bình an, nguồn hoan lạc, chính sự sống viên mãn và niềm bình an hoan lạc này đã trở thành tin mừng đích thực mà Chúa muốn náo nức chia sẻ với người khác qua lời nói và cuộc sống thường ngày của ta. Câu Kinh Thánh mà ta rất tâm đắc chứng tỏ điều này: Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta(Rm 5:5)

2. LOAN BÁO TIN MỪNG CHO KẺ NGHÈO HÈN
Ai là người nghèo hèn? Tất cả những ai chưa nhận ra con người đích thực của mình. Trước đây, ta chưa nhận ra con người đích thực của mình. Ta chỉ nhìn thấy con người xác thịt của mình nên ta cảm thấy mình quả là nghèo hèn trước mặt Chúa. Chúa ngàn trùng thánh đức còn ta là vật mọn phàm hèn, yếu đuối, tội lỗi, chẳng đáng Chúa ngự vào lòng. Ta đã kéo lê cuộc sống đấy chản nản và đau khổ, vui ít, buồn nhiều. Tối ngày chạy theo những đam mê, dục vọng trần gian như con thiêu thân. Đúng là kẻ vừa nghèo vừa hèn.

3. NGÀI SAI TA ĐI CÔNG BỐ
Một trong những việc chủ yếu của Công Cuộc Loan Báo Tin Mừng chính là công bố điều mình đã xác tín, đã sống, đã cảm nghiệm chứ không phải cung cấp cho họ một mớ lý thuyết suông. Theo thứ tự từ dễ tới khó, từ thấp lên cao, từ tiểu học tới đại học. Con đường tâm linh không nhất thiết cần phải có kiến thức cao hay sâu. Kiến thức cao sâu là một con dao hai lưỡi rất lợi hại: Nó có thể giúp ta tiến rất nhanh, nhưng cũng có thể làm ta xơ cứng vì đầu óc ta đầy ắp những kiến thức mà ta cho là khuôn vàng thước ngọc. Như vậy, Loan Báo Tin Mừng chủ yếu chỉ cần công bố cho người khác thông qua việc chia sẻ cảm nghiệm bằng chính đời sống và niềm xác tín của mình. Chứng nhân quý hơn thầy dạy.

4. CHO NGƯỜI MÙ BIẾT HỌ VỐN SÁNG MẮT
Trong một buổi chia sẻ Lời Chúa về đoạn Tin Mừng nói về người mù từ lúc mới sinh, tôi đã từng chia sẻ với anh em. Tôi khám phá ra rằng: tôi vốn sáng ngay con trong lòng mẹ, nhưng rồi sống giữa trần gian, tình, tiền, tài, danh vọng, sắc dục đã làm tôi mờ mắt và tâm trí trở nên mê muội, càng chạy theo đam mê thế gian, mắt tôi càng mờ hơn… cho tới khi tôi đọc Kinh Thánh và cá nhân hoá mình với Giêrêmia, tôi mới chợt nhận ra bấy lâu nay mình vốn sáng mắt mà mình không biết.
Trong khi nghe tôi chia sẻ, anh huynh trưởng của tôi - người chủ trì phiên họp - có vẻ không đồng ý lắm và cuối cùng trong lúc đúc kết, anh mạnh mẽ khẳng định với anh em rằng: Tất cả chúng tôi đều mù từ lúc mới sinh vì Kinh Thánh viết rõ như thế - mù từ lúc mới sinh.
Vì tôn trọng anh, tôi không muốn tranh luận hay dồn anh vào thế bí. Nếu tôi đặt cho anh 2 vấn nạn, không biết anh sẽ trả lời sao đây:
• Ta là con của Chúa do chính Chúa sinh ra, mang hình ảnh của Thiên Chúa, mà Chúa là ánh sáng thì ta – hình ảnh của Chúa - làm sao lại mù tối được, hay là anh huynh trưởng của ta lại cho rằng Chúa cũng mù nốt ?
• Nếu ta mù từ lúc mới sinh thì chắc chắn ta không chịu trách nhiệm gì về những tội lỗi ta đã gây ra, mà người chịu trách nhiệm đó: chính là Chúa. Vì Chúa sinh ra ta chứ không phải quỷ hay Satan sinh ra thằng ta mù tối này. Thí dụ như một người con mù từ lúc mới sinh, nến nó đụng phải bình rượu quý vỡ tan tành, hay vô tình cầm dao làm chết người khác thì ta nghĩ: không một người cha nhân lành nào lại kết án và phạt nó phải chết (hình ảnh của hoả ngục: chết muôn đời).
Anh mù ở Bét-xai-đa không sáng mắt ngay lập tức, bắt đầu thấy người ta lờ mờ như cây cối đi, rồi mới dân dần mới rõ hẳn. Ta cũng vậy, sau hơn ba mươi năm gần như mù, quá trình thấy của ta xảy ra tất chậm, hàng mấy năm trời mới thấy khá rõ, và bây giờ, ngày càng thấy rõ hơn. Cuối cùng ta chợt khám phá ra một điều cực kỳ thú vị: hoá ra mình vốn sáng mắt chứ có phải mù tối đâu. Nói cách khác, ta đã bay vào vùng ánh sáng:
Còn anh em, anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền (1Pr 2:9)
Một khi mắt đã sáng rõ trở lại, thì lập tức cũng thấy mình vốn tự do thoải mái, không còn cảm thấy mình bị giam cầm hay bị áp bức nữa.
Bởi vì Chúa là Thần Khí, và ở đâu có Thần Khí của Chúa, thì ở đó có tự do (2Cr 3:17).
Sáng nay, bất ngờ đọc cuốn “Thánh Gioan Thánh Giá ”, tôi rất thích thú khi biết nguồn gốc của thuật ngữ Ngôn Sứ trong tiếng Hipri: (trang 20-21)
• Ro’eh : Người nhìn thấy
• Nabhi : Người công bố, Người làm chứng
Sứ điệp đầu tiên của vị Ngôn sứ là cuộc sống của ông, là kinh nghiệm riêng tư của ông về Thiên Chúa, kinh nghiệm làm cho ông thành một ngôn sứ đích thực
Như vậy, ngôn sứ đích thực phải là người nhìn thấy. Nhìn thấy gì? Nhìn thấy gương mặt đích thực của mình và niềm hạnh phúc mình đang vui hưởng, lúc đó mình mới công bố điều mình đã khám phá, đã cảm nghiệm, đã sống ngay trong đời sống bình thường của đời mình.
Như thế, điều quan trọng là: Công Cuộc Loan Báo Tin Mừng đòi hỏi phải loan báo cho chính mình trước đã, rồi mới dấn thân loan báo cho người khác. Xin mạn phép kể ra một vài bước chuẩn bị như sau:
1. Xác tín mình là con yêu dấu của Ngài. Ngay từ trong lòng mẹ, Chúa dùng Thần Khí của Ngài để thánh hoá ta và sai ta làm ngôn sứ cho muôn dân.
2. Vì thế, dù chưa mở mắt chào đời, chưa bíêt lên tiếng cầu xin thì Chúa đã tuôn đổ tình yêu của Ngài vào lòng ta. Vì thế tâm hồn ta tràn đầy Thần Khí Ngài. Nhờ đó, bản chất ta vốn thánh thiện, mạnh mẽ, sẵn sàng lên đường làm ngôn sứ của Ngài.
3. Trong khi thực hiện sứ mạng Ngôn Sứ, Khám phá tới đâu, ta chia sẻ tới đó; cảm nghiệm tới đâu, ta công bố tới đó. Và ngay trong khi ta chia sẻ lại là lúc ta cảm nghiệm điều mình nói một cách sâu sắc nhất, mãnh liệt nhất và niềm xác tín này càng ngày càng vững chắc hơn.
Tóm lại, qua bài chia sẻ này, tôi chỉ muốn kể lại những điều tôi đã chứng kiến tận mắt, và đặc biệt là những cảm nghiệm thú vị tuyệt vời mà tôi đã và đang nếm hưởng trong việc Loan Báo Tin Mừng cho chính con người của mình, trước khi Loan Báo Tin Mừng cho những anh chị em khác.
John of God Khổng Nhuận

DANH XƯNG CHA CON - Theo Ánh mắt Tâm Linh

John of God Khổng Nhuận


Cách đây hơn một năm, trong giới truyền thông đã nổ ra một cuộc bút chiến về chủ đề Danh xưng CHA - CON trong giáo hội Công giáo. Tôi cũng xin góp một vài ý về vấn đề rất tế nhị này.

Theo Ánh Mắt Tâm Linh, dù bất cứ danh xưng nào đi nữa: cha con, anh em, thày em .. cũng không quan trọng. Nhưng tôi cảm nhận rằng đây chính là dịp rất tốt để mỗi người giáo dân chúng ta nhìn vào con người đích thực của mình.

Chúng tôi đã trình bày tương đối gọn gàng và rõ ràng qua tiểu mục Ánh mắt Tâm linh trong các trang Web: chungnhanduckito.net, simonhoadalat.com, tinvui.org, dongcong.net, ngonnennho.co.nr, ngonnennho.blogspot.com, thanhlinh.net, tiengnoigiaodan.net, tuần báo điện tử Maranatha ….Đặc biệt là trong bài Đức Giêsu Kitô và Người Kitô hữu. Nơi đây tôi chỉ nhắc sơ lại ý chính.

Theo tổ chức hữu hình trong Giáo hội thì chúng ta là những giáo dân, nhưng bản chất của chúng ta là người Kitô hữu. Có thể hiểu giáo dân là áo khoác, là nhãn hiệu, là con người giả, nay còn mai mất - mong manh như hoa dại ngoài đồng, một cơn thoảng cũng đủ làm nó biến đi, nơi nó mọc cũng không còn mang vết tích. Còn Kitô hữu mới là con người đích thực. Con người này cao quý vô cùng với những đặc điểm tuyệt vời. Chúng ta có thể tóm gọn vài hình ảnh sau đây:
1.- Chúng ta là con yêu dấu của Cha.

Chúng ta cũng là con yêu dấu của Cha dựa vào sự xuất phát của mình Chúng ta được sinh ra, không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa. (Ga 1:13).

Ngài như một người Cha, biết rất rõ về đứa con thân yêu của mình: Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân." Gr 1:5). Không những Ngài biết giây phút xuất hiện của tôi mà Ngài còn thánh hoá tôi và trao cho tôi một sứ mạng rõ ràng: làm ngôn sứ của Ngài cho muôn dân.

Thánh Gioan còn khẳng định: Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa - mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa (1Ga 3:1). Thánh Gioan đã xác quyết chúng ta thực sự là con Thiên Chúa; thế mà trước đây chúng tôi cứ tưởng là tôi tớ hạng bét ngay trong nhà Cha của mình. Thật là mọt sự hiểu lầm chết người!!!
2.- Chúng ta là đàn em của Anh cả Giêsu

Chính Đức Giêsu đã xác nhận Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em (Ga 20:17).

Một thời gian sau, Thánh Phao-lô đã khám phá vai trò trưởng tử của Anh Cả Giêsu và tất cả đều cùng phát xuất từ một Chúa Cha qua lời chia sẻ đầy chân tình: Thật vậy, Đấng thánh hoá là Đức Giê-su, và những ai được thánh hoá đều do một nguồn gốc. Vì thế, Người đã không hổ thẹn gọi họ là các em, khi nói: Con nguyện sẽ loan truyền danh Chúa cho các em tất cả được hay, và trong đại hội Dân Ngài, con xin dâng tiến một bài tán dương. Bởi thế, Người đã phải nên giống các em mình về mọi phương diện (Dt 2:11,12,17) - Dịch giả An-sơn Vị đã dùng từ các em thay cho từ anh em cho hợp với tâm tình Việt nam và mạch văn: Trưởng tử - Anh Cả đối với các em.

Thánh Phao-lô còn khám phá ra một tư tưởng tuyệt vời: Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc (Rm 8:28-29). Đồng hình đồng dạng với Đức Kitô là điều Chúa Cha đã tiền định sẵn cho chúng ta. Thế mà chúng ta vô tình quên lãng dù chúng ta chắc chắn đã nghe cả chục lần, cả trăm lần… Rồi chúng ta lại tự xếp loại mình là phó thường dân, và tôn vinh những người có chức thánh làm đại diện Đức Kitô trong khi chính bản thân mình đồng hình đồng dạng với Đức Kitô.
3.- Chúng ta tràn đầy Thánh Thần

Vì quá thương yêu chúng ta, Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta (Rm 5:5)

Mục đích cho chúng ta được sống dồi dào, viên mãn, mạnh mẽ: Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương,và biết tự chủ (2Tm 1:7).

Khi chịu phép Rửa: Chúng ta đều đã chịu phép Rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất (1Cr 12:13).

Tóm lại, con người tâm linh của chúng ta được sinh ra bởi chính Thiên Chúa, giống hình ảnh của Ngài, là đàn em của Anh cả Giêsu, tràn đầy Thần Khí Thiên Chúa. Tất cả chúng ta đều là ngành, là nhánh của một thân nho Đức Kitô. Tất cả chúng ta lành anh chị em với nhau con một Cha trên trời.
Danh xưng cha-con không có nền tảng Kinh Thánh

Bây giờ chúng ta có thể rút ra kết luận thú vị:

Theo Ánh Mắt Tâm Linh, vấn đề danh xưng cha-con thực ra chỉ thuần tuý thuộc lãnh vực văn hoá, nó chẳng dính dáng gì tới tâm linh. Chẳng có nền tảng Kinh Thánh một chút nào cả

Còn nếu muốn dựa trên nền tảng Kinh Thánh để tìm hiểu xem vấn đề cha-con giữ vai trò gì, chúng ta cùng nhau xem lại lời Kinh Thánh mà thánh Phao-lô đã quả quyết:

Vậy không còn phải phân biệt Hy-lạp hay Do-thái cắt bì hay không cắt bì, man di, mọi rợ, nô lệ, tự do, nhưng chỉ có Đức Ki-tô là tất cả và ở trong mọi người. (Cl 3:11)

Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất (1Cr 12:13)

Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Ki-tô, đều mặc lấy Đức Ki-tô. Không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do đàn ông hay đàn bà nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Ki-tô. (Gl 3:27-28).

Vì không còn phân biệt chủng tộc, nam nữ, nên danh xưng chủ-tớ, thày-trò, cha-con chỉ có giá trị theo văn hoá nhân loại của từng vùng, từng quốc gia, từng thời đại.

Chúng ta chắc hẳn vẫn còn nhớ câu chuyện nghe rất lạ tai trong Tin Mừng theo thánh Mác-cô 3:31-35.

Mẹ và anh em Đức Giê-su đến, đứng ở ngoài, cho gọi Người ra. Lúc ấy, đám đông đang ngồi chung quanh Người.

Có kẻ nói với Người rằng: "Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy! "

Nhưng Người đáp lại: Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi? "

34 Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi.35 Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi."

Lúc đó ai đang ngồi chung quanh? Tất nhiên là các môn đệ và còn nhiều người khác đang lắng nghe Đức Giêsu Loan Báo Tin Mừng.

Áp dụng Lời Kinh Thánh trên vào đời sống của mình, tôi bây giờ cũng âm thầm từ hào mình là mẹ của Đức Kitô - dù tôi là một người đàn ông, đơn giản chỉ vì bây giờ tôi đang sống Lời Chúa và tiếp tục sinh Đức Kitô trong lòng anh em khác, khi họ nhận ra sự hiện diện của Đức Kitô sống động trong lòng của họ, qua những chia sẻ rất chân tình của mình.

Từ đó suy ra chủ-tớ, thầy-trò, cha-con, anh-em, chị-em … chỉ là cách nói thế gian,giống như thánh Phalô đã từng chia sẻ: Trong Đức Ki-tô Giê-su, nhờ Tin Mừng, chính tôi đã sinh ra anh em.(1Cr 4:15). Gửi anh Ti-mô-thê, người con tôi đã sinh ra trong đức tin. (1Tm 1:2).

Có thực là Thánh Phao-lô sinh ra các tín hữu không? Chắc chắn không! vì cũng chính thánh Phao-lô đã từng tuyên bố: Tôi trồng, anh A-pô-lô tưới,nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên.7 Vì thế, kẻ trồng hay người tưới chẳng là gì cả, nhưng Thiên Chúa, Đấng làm cho lớn lên, mới đáng kể. (1Cr 3:6-7).

Thánh Phê-rô giải thích rõ hơn: Vì anh em đã được tái sinh, không phải do hạt giống mục nát mà do hạt giống bất diệt nhờ Lời Thiên Chúa hằng sống và tồn tại mải mãi… Đó chính là Lời đã được loan báo cho anh em như một Tin Mừng" (1 P 1: 23-25). Ý tưởng này xác định chúng ta được sinh lại do Lời Chúa chứ không phải bởi người Cha nào cả dù đó là Phê-rô hay Phao-lô hay A-pô-lô…

Như thế chúng ta thấy rõ rằng, trong tâm tình cảm riêng tư đầm ấm, Phao-lô và Ti-mô-thê tự nhận là cha-con với nhau. Nếu Phao lô trẻ hơn nữa thì biết đâu họ lại tự nhận là huynh-đệ với nhau.

Thánh Phao-lô đã ý thức rất mạnh mẽ: Kẻ trồng hay người tưới chẳng là gì cả - Chẳng là gì thì lấy tư cách chi để ngang nhiên tự nhận mình là cha. Ngay cả Đức Kitô, đi mòn gót miền thập tỉnh, công bố Lời Hằng Sống khan cả cổ suốt 3 năm trời, thế mà Ngài chỉ tuyên bố một câu nghe chẳng có vẻ gì uy quyền của người Cha: Ai có tai thì nghe!

Rồi cuối cùng, chính Đức Giêsu phá luôn bức-tường-thầy-trò để thiết lập một tương quan mới: bạn-hữu-thân-tình: Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu,vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.( Ga 15:15).

Gương Thầy chí thánh rành rành ra đó, các limh mục - tự xưng là Kitô khác - có tự nguyện phá bức-tường-cha-con để xây dựng tương quan thân tình vui vẻ hoà đồng với mọi người bằng cách vui lòng chấp nhận cho giáo dân xưng hô với một từ nào đó mà người ta cảm thấy thoải mái nhất như linh mục, thầy, ngài, anh…tuỳ hoàn cảnh mà trong lòng vẫn còn quý mến mình. Tất nhiên không phải là cá mè một lứa.

Đọc tới đây, chắc chắn chúng ta đã dễ dàng nhận ra: vấn đề danh xưng cha-con không hề có một chút nền tảng Kinh Thánh nào cả.

Đó là những tâm tình chia sẻ xin chân thành gởi tới quý độc giả với một ước nguyện vĩ đại: đó là tất cả những người giáo dân chúng ta đều khám phá ra con người đích thực của mình. Còn chuyện xưng hô cha-con chỉ thuần tuý thuộc lãnh vực văn hóa. Chúng tôi nhận thấy tác giả Mỹ Duyệt đã viết một loạt bài trình bày về danh xưng cha-con có tính thuyết phục rất cao. Chỉ vài cái click mouse, quý vị đã có trong tay tất cả bài có liên quan tới Danh xưng cha-con trong Giáo hội.

Monday, June 20, 2005

NƯỚC THIÊN CHÚA: ĐANG Ở GIỮA CHÚNG TA

Khổng Nhuận

Chúa nhật tới đây giáo hội hân hoan mừng lễ Chúa lên trời. Trời hay Nước Thiên Chúa là một đề tài được nhiều người nhắc tới với những quan niệm khác nhau từ nghiêm chỉnh tới khôi hài với những hình ảnh rất đa dạng.

Nước Thiên Chúa - Cung đinh trần thế.

Được hiểu nôm na là Nước Thiên đàng, nơi đó có cả triều thần thánh trên trời uy nghi hoành tráng. Trên ngai vàng cao chót vót là Chúa Cha với bộ râu dài oai phong. Bên hữu của ngài là Chúa Giê-su mang áo đỏ chiến thắng với cây thánh giá chiếu sáng rạng ngời. Chúa Thánh Thần lấy hình bồ câu bay lượn trên hai Đấng. Gần ngai, các thánh tổ phụ, tiên tri, tông đồ cúi đầu rạt rạt. Hàng đồng trình, hàng thủ tiết xủ xiêm quỳ gối song song… các thánh một lòng thành tâm phụng thờ một Chúa. Và hàng tỳ tỷ thiên thần và người ta sấp mình xuống rồi tung hô: Thánh! Thánh! Thánh! Không biết mỏi miệng là gì. Có nhiều ngưòi nói nửa đùa nửa thật: Tớ chỉ mong sao được vào thiên đàng là tốt rồi dù ở xa tít mãi mấp mé cửa cũng được - coi chừng chen lấn láo nháo xô đẩy bị rơi tòm xuống hoả ngục là hết đời!

Nước Thiên Chúa: Bữa tiệc linh thánh.

Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù. Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm, ly rượu con đầy tràn chan chứa (Tv 23:5) .Người ta tha hồ ăn uống trong vui vẻ tưng bừng với rượu thơm ngon ngọt. Và khách dự tiệc khắp trong thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa.(Lu 13:29). Tất nhiên là phải mặc áo cưới chứ, nhưng không phải bộ com-lê đắt tiền hay trong những cánh soirée lộng lấy, quý phái lấp lánh ánh kim sa. Vì là tiệc cưới linh thiêng, nên khách mời phải mặc áo trắng tinh tuyền của con người mới Kìa một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế…Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên. (Kh 9:14)

Nước Thiên Chúa: Gia nghiệp đời tôi.

Đức Giêsu đã cảnh báo "Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!" Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa." (Mc 10:23,25). Có của ở đây hiểu theo nghĩa “Kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó.” ( Mt 6:21) Có nhiều kho tàng khác nhau: tiền bạc, của cải, danh vọng, địa vị, sắc đẹp, tài năng, bằng cấp, …. tất cả những gì nó cuốn hút ta khiến ta ngày đêm canh cánh bên lòng, nó nhảy múa trong tim ta, chiếm đoạt tâm trí ta, khiến ta luôn quay quắt về nó, thì đó đích thực là kho tàng của mình. Nếu ta không chọn Chúa làm gia nghiệp mà lại chọn bất cứ kho tàng thế gian mau tàn phai mục nát thì sẽ khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!!"

Nước Thiên Chúa: Tái sinh trong Thần Khí.

Chúng ta thường nghĩ rằng tôi đã được Rửa tôi, đi lễ ngày Chúa nhật, rước lễ hàng tuần, không làm hại ai, không làm phiền lòng hàng xóm thì tôi có cơ may vào Nước Thiên Chúa. Khoan, chúng ta cần phải nghiêm chỉnh suy tư hơn một chút về lời Đức Giêsu nhắn nhủ sau đây: "Thật, tôi bảo thật ông : không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên."; "Thật, tôi bảo thật ông : không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí. (Gi 3:3,5). Chúng ta đừng tưởng rằng ta đã chịu phép Rửa là đủ rồi. Và chúng ta cứ sống theo kiểu ai sao tôi vậy. Mùa nào tâm tình ấy. Mùa chay tôi nhỏ vài giọt nước mắt quyết tâm ăn năn, hết mùa chay đâu lại vào đấy thì không thể gọi là tái sinh được. Thật vậy, vẫn còn thiếu một điều kiện rất quan trọng: sinh ra một lần nữa bởi ơn trên hay sinh ra bởi Thần Khí . Nếu quý vị nào đã thấy mình được sinh lại - tức chết đi cho con người cũ để tái sinh ra con người mới nhờ Thần Khí. Xin chân thành chúa mừng. Vé Thiên đàng đã nắm trong tay.

Nước Thiên Chúa: Tâm hồn trẻ thơ.

Đây là một chủ đề khá lý thú và sâu sắc. Đức Giêsu bảo thật anh em : “Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào." (Mac 10:15). Đây là một tình trạng rất đặc biệt. Tâm hồn trẻ em không chỉ đơn giản là ngây thơ. Ngây thơ sao được khi đã bốn, năm chục tuổi đầu, kinh nghiệm đầy mình giữa mưu mô gian manh xảo quyệt thế gian. Thế mà vẫn trong sáng được mới lạ chứ. Chúng ta có thể hiểu rõ hơn khi liên kết với những câu Kinh Thánh khác. Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa. (Mt 5:8) Tâm hồn trong sạch không chỉ là tình trạng sạch tội sau khi vừa mới chịu Bí tích Hoà giải mà ý nghĩa của nó mênh mông hơn nhiều "Đèn của thân thể là con mắt. Vậy nếu mắt anh sáng, thì toàn thân anh sẽ sáng. (Mt 6:22). Hóa ra đôi mắt sáng - theo ánh mắt tâm linh - đóng vai trò quan trọng trong việc thấy Thiên Chúa. Thấy Thiên Chúa ở đâu? Ở ngay trong tâm hồn mình, rồi từ cảm nghiệm sống động và tuyệt vời ấy, ta mới dùng ánh mắt tâm linh để có thể thấy Thiên Chúa nơi tha nhân và cuối cùng là thấy Thiên Chúa nơi tạo vật trước mắt mình. Đây quả là một khám phá kỳ thú. Trước kia ta thích đánh giá người khác theo bề ngoài của họ, nay ta bớt bị bề ngoài ảnh hưởng vì ta nhận ra người khác cũng là con cái Thiên Chúa và tràn đầy Thần Khí trong tâm hồn họ nên ta dễ thông cảm hơn là kết án. Với ánh mắt trong suốt tình tuyền đó ta cảm nhận được Thiên Chúa hiện diện nơi trần gian này. Và ở đâu có Thiên Chúa hiện diện, ở đấy là thiên đàng - Nước Thiên Chúa.

Nước Thiên Chúa: Đang ở giữa chúng ta.

Ngay từ thời Đức Giêsu , người Pha-ri-sêu đã nêu thắc mắc với Đức Giêsu: bao giờ Triều Đại Thiên Chúa đến. Người trả lời : "Triều Đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được. Và người ta sẽ không nói : 'Ở đây này !' hay 'Ở kia kìa !', vì này Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông." (Lc 17 : 20-21). Ở giữa là ở đâu? Không thể hiểu ở giữa như ở trọng tâm và cách đều các thành viên. Nói cụ thể hơn. Ở giữa chính là ở trong tâm hồn mỗi người chúng ta. Đây là một định nghĩa rõ ràng nhất về Nước Thiên Chúa do chính Đức Giêsu xác nhận. Nhưng một điều rất ư là đáng tiếc: Chúng ta hiếm khi chấp nhận sự thật quá gần gũi này, vì chúng ta cho rằng Chúa rất cao sang còn linh hồn ta chẳng đáng Chúa ngự vào lòng. Thành thử ra, rước Chúa xong, ta lại quay ra sấp mình thờ lạy Chúa và tỉ tê tâm sự với Chúa Giê-su đang ngự trong Phép Thánh Thể trên bàn thờ hay trong nhà tạm- vô tình ta đã lập tức đẩy Chúa ra khỏi lòng mình, dù mình mới rước Chúa vào đền thờ tâm hồn mình chưa đầy 3 phút. Lẽ ra chúng ta nên trầm mình xuống, và tâm tình với Chúa ngay trong tâm hồn mình đủ thứ chuyện trên đời như làm ăn, buôn bán, lên kế hoạch này, chương trình khác, kể cả tâm sự với Chúa về người mình thương, người mình không ưa.. rồi lâu lâu trong ngày, để dành chừng vài phút tiếp tục (Resume) tâm sự với Chúa của lòng mình và mời gọi cùng cộng tác với mình dù đó là bất cứ công việc gì. Đây cũng là những giây phút vui hưởng thiên đáng ngay trên trần gian đầy khổ lụy này.

Nước Thiên Chúa: Bình an, Hoan lạc trong Thánh Thần.

Thánh Phao-lô đã chia sẻ cảm nghiệm của ngài về Nước Thiên Chúa như sau: Nước Thiên Chúa không phải là chuyện ăn chuyện uống, nhưng là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần. (Rm 14:17) Không phải là chuyện ăn chuyện uống - tức là những chuyện cơm-áo-gạo-tiền, tình-tài-danh vọng của thế gian; mà chính là bình an và hoan lạc trong Thánh Thần. Hoan lạc ở đây không có nghĩa là vui vẻ tưng bừng như những ngọn sóng dâng cao trong tâm hồn, với tiếng cười oang oang hết cỡ đến nỗi không biết mình là ai nữa. Rồi khi khó khăn ập tới, ta dễ trở nên chán nản, thất vọng, u buồn....đến nỗi chỉ muốn chết đi cho rồi. Thực ra hoan lạc ở đây là niềm vui nhè nhẹ nhưng sâu lắng, vững vàng trước mọi khó khăn, bình an trong mọi nghịch cảnh. Tất cả nhờ vào sức mạnh của Thần Khí Thiên Chúa ngay trong tâm mình.

Nước Thiên Chúa: Lan toả khắp nơi.

Một trong những sứ mạng quan trọng nhất của Đức Giêsu nơi trần gian là Đức Giê-su rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. (Lc 8:1). Ngài loan báo cho chúng ta biết rằng chính Chúa Cha yêu mến anh em (Ga 16:27). Và Tin mừng trọng đại nhất được gói gọn trong lời cầu nguyện chân thành của Đức Giêsu trước khi lên đường khổ nạn Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một (Ga 17:23). Một khi chúng ta cảm nhận được mình nên một với Chúa thì đương nhiên chúng ta sẽ nghiệm được bình an và hoan lạc trong Thánh Thần - nói cách khác, ta đang vui hưởng Nước Thiên Chúa ngay trong tâm mình giữa cuộc sống đầy bon chen, vất vả trên trần gian này. Và cũng chính bình an và hoan lạc trong Thánh Thần sẽ thúc bách ta lên đường Loan Báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Chúng ta chia sẻ cho anh em về Thiên Chúa tình yêu về niềm vui trong cuộc tìm kiếm Chúa, niềm bình an từ cuộc sống kết hợp nên một với Chúa. Người ta thích nghe chứng từ hơn là những lời lý thuyết suông với hàng lô hàng lốc điều phải tin, phải giữ cho đúng lề luật. Nhưng không biết tin để làm gì? Giữ lề luật mang lại lợi ích gì cho cuộc sống đạo thường ngày của họ?

Thực vậy, Lời Chúa vẫn khích lệ chúng ta: Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. ( Mt 6:33). Ta thấy đó, đây là vấn đề ưu tỉên hàng đầu. Trước tiên chứ không phải là thủ tục đầu tiên (tiền đầu! ). Nếu điều ta kiếm tìm trước tiên là Nước Thiên Chúa thì chắc chắn cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên dồi dào trong bình an và niềm vui thực sự trong Chúa. Lúc đó, chúng ta mới nếm được hương vị tuyệt vời của Nước Thiên Chúa ngay trên trần gian này, phát xuất từ niềm hoan lạc và bình an trong Thần Khí Thiên Chúa từ đáy lòng mình. Và chính hương vị ngọt ngào này gây hứng khởi và thôi thúc chúng ta hăng hái lên đường mở mang Nước Thiên Chúa lan toả khắp nơi,

CHÚNG TA NAY ĐÃ PHỤC SINH!

Khổng Nhuận

“Trong mùa phục sinh, các con hãy sống mầu nhiệm phục sinh”. Đó là lời khuyên của các cha giáo chủng viện ngày xưa. Nhưng bọn chủng sinh chúng tôi có hiểu gì đâu. Nghe tai này bay qua tai kia. Chúng tôi như một đàn cừu lẽo đẽo theo nhau mà chẳng biết mình đi tới đâu.

Sau một thời gian lênh đênh trên dòng đời, theo tâm tình chu kỳ Phụng vụ, vào mùa vọng chúng tôi cũng cố gắng sửa một vài tật xấu. Chưa sửa được bao nhiêu, thì mùa Giáng Sinh huyền diệu đã tới, chúng tôi nao nức đón mừng Chúa giáng trần. Rồi mùa chay lại tiếp nối, những bài thánh ca Hãy trở về, Hãy trở về với Cha, hãy xé lòng đừng xé áo…chúng tôi chau chuốt giọng ca cho thật hay theo cánh tay bay bướm của ca trưởng. Còn chuyện trở về thì chúng tôi ngơ ngơ ngác ngác giống như ông Philipphê ngày xưa "Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường? " (Ga 14:5) Vẫn biết là trở về với Chúa, nhưng chúng tôi nào có biết Chúa ở đâu. Ở trên trời ư? Xa xôi cách trở ngàn trùng! Ở trong nhà tạm ư? Chúng tôi gặp mỗi tuần, thế mà vẫn vô duyên đối diện bất tương phùng! Ở trong lòng chúng tôi ư? Sao chúng tôi chẳng cảm thấy gì! Ở nơi tha nhân ư? Ở trong người ăn xin nghèo khổ lê lết, dơ dáy, bẩn thỉu trên hè phố ư? Hoang đường! Hão huyền! Chúa ở ngay trong lòng mình mà còn không nhận ra thì lấy cặp mắt kiếng nào mà nhìn thấy Chúa trong anh em khốn khổ, tàn tật, trông chẳng dễ thương chút nào! Chúng tôi cùng lắm là thương hại thôi, chứ làm sao mà nhìn ra Chúa đang hiện diện trong họ. Nếu có giúp họ chút ít tiền bạn hay quà cáp thì cũng mang phong cách của người ban phát, ra vẻ ta đây là đạo đức và thì thầm nhắc nhở Chúa: Chúa nhớ ghi vào sổ đấy nhé!

Vì thế,chúng tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng Mùa Chay là mùa ăn chay, kiêng thịt và hy sinh hãm mình. Nhiều giáo xứ tổ chức tĩnh tâm - chủ yếu là nghe cha giảng - về các đề tài về mùa chay cho giới trẻ, các ông gia trưởng, các bà hiền mẫu. Các giáo hạt còn tổ chức giải tội vần công với một lúc hàng chục toà hoà giải để giáo dân tha hồ mà xưng hết tội của mình với các cha khách. Xưng tội với cha nhà, sợ ngài nhận ra tiếng thì nguy to. Rồi mùa Phục sinh lại tới, chúng tôi hân hoan tưng bừng đón mừng Chúa sống lại trong thánh lễ nửa đêm ngập tràn ánh sáng. Biết bao bài thánh ca đã được hát lên trong đêm cực thánh này: Chúa nay thực đã phục sinh Alleluia!Alleluia!

Để mừng Chúa sống lại, nhiều nhóm, nhiều đoàn thể, đặc biệt là ca đoàn thưởng tổ chức Réveillion ngay sau thánh lễ với bia rượu tràn ly. Chúa đã chiến thắng sự chết, Chúa đã chiến thắng tử thần còn chúng tôi chỉ biết reo mừng với những màn cụng ly Dô! Dô!!!

Một ngày kia, mấy anh em chúng tôi ngồi lại với nhau và nghiêm chỉnh đặt cho chính mình một câu hỏi: Chúa nay thực đã phục sinh. Còn chúng ta, chúng ta nay đã phục sinh chưa? Cả lũ ặt cổ ra, thế là cả bọn quyết tâm tìm cho ra câu trả lời hóc búa này mới được.

Xin quý vị độc giả coi đây chỉ là những chia sẻ chân thành của một nhóm giáo dân thao thức mò mẫm tìm cho mình một con đường phục sinh như Đức Giêsu mà thôi.

Thế là một hội nghị bàn tròn mà chỉ có 3 người đang vò đầu bóp trán để tìm ra phương pháp nào hữu hiệu mau đạt được kết quả. Khởi đầu chúng tôi đi theo con đường cổ điển: đi lễ mỗi ngày, khi gặp điều tức tối khó chịu, thì cố mà dằn lòng mình xuống.... Một hai tháng sau chúng tôi cảm thấy mình có vẻ đạo đức hơn, gần Chúa hơn, nhưng chẳng cảm cảm thấy một chút gì gọi là phục sinh. Thế là phải tìm một hướng khác. Chúng tôi quyết tâm đọc lại toàn bộ cuốn Tân Ước và tham khảo một số đoạn Cựu Ước. Suốt một năm, mỗi tuần gặp nhau, chúng tôi nêu suy nghĩ, thắc mắc, chia sẻ những khám phá mới trong một quán café vắng người. Đôi khi, một vấn đề được đưa ra, nhưng mỗi người đều hiểu và giải thích khác nhau. Tuy nhiên chúng tôi vẫn tiếp tục hứng thú cùng nhau tìm hiểu thêm. Cuối cùng, chúng tôi làm một đúc kết nho nhỏ ghi lại những khám phá thú vị về việc phục sinh của người giáo dân.
Đúc Kết Nho Nhỏ
v Nêu thắc mắc và tìm cách trả lời

Trước hết, chúng tôi đưa ra một loạt câu hỏi rồi tự trả lời cho nhau nghe.

Chúa nay thực đã phục sinh, đúng rồi, nhưng Ngài phục sinh cái gì?

Tất nhiên là Ngài phục sinh thân xác.

Nếu bảo phục sinh thân xác thì vô nghĩa, chính Ngài đã dạy chúng ta: Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống. (Ga 6:83).

Nếu Ngài không phục sinh thân xác, vậy Ngài phục sinh cái gì?

Vậy thì Ngài phục sinh tâm hồn!

Không thể nói Ngài phục sinh tâm hồn vì "Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống”.(Ga 11:26) Nếu thế thì sự phục sinh của Ngài mang ý nghĩa: Ngài đã chiến thắng tử thần.

À, có lý! thế thì chúng ta cùng nhau tìm hiểu và khám phá Lời Chúa sau đây.

Vậy khi cái thân phải hư nát này mặc lấy sự bất diệt, khi cái thân phải chết này mặc lấy sự bất tử, thì bấy giờ sẽ ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Tử thần đã bị chôn vùi. Đây giờ chiến thắng! (1Cr 15:54)

Rõ ràng câu trên có nghĩa là: điều kiện để phục sinh là khi thân xác hư nát hay chết này mặc lấy sự bất tử, bất diệt. Chính lúc đó: Tử thần đã bị chôn vùi. Đây giờ chiến thắng! Nói cách khác, chúng ta nay đã phục sinh.
v Làm cách nào mặc lấy sự bất tử?

Vấn đề quan trọng trước mắt là làm cách nào để cái thân xác phải chết này mặc lấy sự bất tử. Và đây cũng chính là quá trình từ cõi chết bước vào cõi sống.

Quá trình từ cái chết tâm linh chuyển sang sự sống dồi dào bắt nguồn từ Thiên Chúa: chúng ta có thể chia làm 3 giai đoạn chính:

1. Giai đoạn một: Làm cách nào để mặc lấy sự bất tử - cũng chính là sự sống đời đời của Chúa.

Muốn nhận ra sự sống đời đời của Chúa, không gì tốt hơn là chúng ta tìm hiểu con người của Đức Giêsu: Thật, tôi bảo thật các ông: giờ đã đến - và chính là lúc này đây - giờ các kẻ chết nghe tiếng Con Thiên Chúa; ai nghe thì sẽ được sống. Quả thật, Chúa Cha có sự sống nơi mình thế nào, thì cũng ban cho người Con được có sự sống nơi mình như vậy. (Ga 5:25-26) Qua câu này, chúng tôi khám phá ra rằng: Chúa Cha không chỉ ban cho Đức Giêsu mà còn ban cho tất cả chúng ta nữa - những người em của anh cả Giêsu - bắt nguồn từ tình yêu thương vô bờ của Thiên Chúa , cho nên: Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc (Rm 8:29).

Lúc đó, chúng tôi xoáy vào 3 hình ảnh tuyệt vời của Đức Kitô:

Con Thiên Chúa: "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người." (Mt 3:17).

Đầy Thần Khí Thiên Chúa: “Đức Giê-su được đầy Thánh Thần,” (Lc 4:1).

Nên một với Chúa Cha: “Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha." (Ga 10:38)

Và người Kitô hữu, vì được đồng hình đồng dạng với Đức Kitô - nên cũng mang 3 hình ảnh tuyệt vời y như Đức Kitô:

Con Thiên Chúa: “Thực sự chúng ta là con Thiên Chúa”. (1Ga 3:1)

Đầy Thần Khí Thiên Chúa: “Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta”. (Rm 5:5)

Nên một với Chúa : “Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một như chúng ta là một”. (Ga 17:23)

Trước kia, chúng tôi sống theo con người xác thịt, mê mẩn trong cơn lốc tình, tiền, tài, danh vọng, lạc thú của thế gian. Nhưng từ khi chúng tôi khám phá ra khuôn mặt thật của mình dựa vào con người của Đức Kitô. chúng tôi đã cảm nhận được phần nào cái thân xác hay chết này đang mặc lấy sự bất tử. Giờ đây viết lại, chỉ ngắn ngủi 5, 6 hàng, nhưng chúng tôi đã phải tốn gần cả năm trời nghiên cứu, tìm hiểu mới phát hiện ra những điều nghe có vẻ thật đơn giản này.

2. Giai đoạn hai: Khúc ngoặt lịch sử

Từ khi nhận ra khuôn mặt đích thực của mình, chúng tôi tập sống trong tâm tình của người con yêu dấu của Chúa, nhờ sức mạnh Thần Khí ngay trong tâm mình. Bỗng một hôm, kẻ trước người sau, mỗi người trong chúng tôi âm thầm nhưng cực kỳ xác tín: Tôi đã phục sinh. Hôm đó, bỗng nhiên tôi thấy mình không phải là mình giống như trước kia nữa. Tôi nhìn người ta đi lại trên đường mà như nửa thật nửa mộng - dù lúc đó tôi rất tỉnh. Tôi phóng xe giữa dòng thành phố mà như chốn không người - trong khi đang chạy xe rất dàng hoàng và đúng luật. Những bon chen thường ngày tự nhiên gần như vô nghĩa. Lúc đó, tôi không còn quá thiết tha với những đam mê thủa trước mà trong lòng vẫn thơ thới hân hoan. Hơn một tuần sau, chúng tôi gặp lại nhau và chia sẻ cho nhau những cảm nghiệm mới nhất. Thì ra cả ba chúng tôi đều nhận ra thân xác hư nát hay chết này lần đầu tiên đã mặc lấy sự bất tử, bất diệt. Và chúng tôi cùng reo lên: chúng ta nay đã phục sinh! Chúng tôi đã tìm được câu trả lời!

3. Giai đoạn ba: Bắt đầu cuộc sống mới

Từ khi nhận ra mình đã phục sinh. Chúng tôi bắt đầu sống cuộc sống dồi dào như Đức Giêsu đã từng mong ước: sống tự do, tự chủ, đầy sức mạnh Thần Khí Thiên Chúa, ngập tràn hạnh phúc và bình an. Nhưng vì chúng tôi đã nhiễm quá nặng tư tưởng thế gian suốt mấy chục năm, thành thử ra chúng tôi hay phản ứng theo cách của con người cũ đã in dấu quá đậm trong trí não của chúng tôi. Thường thường khi có một biến cố gì xảy ra thì tiếng nói của con người cũ luôn luôn lên tiếng trước với những lý luận hết sức thuyết phục. Hay thỉnh thoảng, nghe lời ngon ngọt của thân xác, chúng tôi vấp ngã. Tuy nhiên, chúng tôi có thể đứng dậy dễ dàng sau những vấp ngã, phần thì chúng tôi đã nhận ra bộ mặt giả mạo của thân xác hay chết, phần thì chúng tôi ý thức sức mạnh vô biên của Thần Khí Thiên Chúa ngay trong tâm mình.

Có một điều rất kỳ lạ! Lẽ ra chúng ta phải cởi bỏ con người cũ hay hư nát, rồi mới khoác cho mình con người mới. Đàng này, chúng tôi lai lo tìm gương mặt con người mới theo khuôn mặt tuyệt vời của Đức Kitô. Ai ngờ, khi khám phá ra khuôn mặt đích thực của mình thì những mặt nạ tiền tài, danh vọng, đạo đức giả, đam mê… của con người cũ hay hư nát tự nhiên rơi xuống, và lập tức cái thân xác hư nát hay chết này lần đầu tiên đã mặc lấy sự bất diệt - cuộc phục sinh bắt đầu…

Nói như vậy thì chúng ta dẹp bỏ chu kỳ phụng vụ của Giáo hội hay sao? Xin trả lời : Hoàn toàn không phải vậy. Như vừa trình bày, tuy chúng ta đã bắt đầu cuộc sống mới nhưng chúng ta đã bị nhiễm quá nặng tư tưởng thế gian nên vẫn cần phải có mùa vọng để ta tiếp tục bạt, tiếp tục lấp những lối sống cũ; vẫn cần mùa chay để tiếp tục cởi bỏ con người cũ theo cách nhìn của nhân loại, và mặc con người mới theo lối nhìn tâm linh phát xuất từ Thần Khí Thiên Chúa để ngày càng giống hình ảnh ảnh Thiên Chúa hơn. Và tất nhiên là, trong mùa phục sinh chúng ta lại có nhiều dịp để thực hiện ý tưởng chúng ta nay đã phục sinh! mỗi năm càng hoàn hảo hơn.

ƠN CỨU ĐỘ - Chính Là Lúc Này Đây

Khổng Nhuận



Ngày xưa còn nhỏ - thời thập niện 50 - Chúng ta thường đọc rang rang: Chúa Giêsu xuống thế làm người, chịu nạn chịu chết trên cây Thánh giá để chuộc tội cho cả và thiên hạ - có nghĩa là ban ơn Cứu độ cho nhân loại để đời sau được hưởng mặt Chúa vui vẻ trên thiên đàng đời đời chẳng cùng Amen. Giờ đây, trong tuần bát nhật Phục sinh, chúng ta nên dành một chút thời gian để nhìn lại Ơn cứu độ, một trong những đề tài nghe rất nhàm tai nhưng nếu nghiên cứu thật kỹ thì lại rất mới lạ và đầy hấp dẫn

Rất nhàm tai: ƠN CỨU ĐỘ Theo lối nhìn nhân loại.

Chúng ta đã từng nghe dạy rằng:

Muốn được ơn cứu rỗi hay thừa hưởng công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô thì đòi hỏi phải có 2 điều kiện tối cần thiết như sau:

Được tái sinh vào sự sống mới qua phép Rửa ( xem Jn 3:5)

Tin Chúa Kitô và thực hành giáo lý của Chúa đã được loan báo qua Tin Mừng (Mk 16:16)

nghĩa là mến Chúa và yêu người như Chúa Giêsu đã dạy, cũng như từ bỏ mọi tội lỗi thì mới được ơn cứu độ.

Đặc biệt, Thánh Lễ hay Hy Tế đền tội và tạ ơn ( Eucharist) là phương tiện cao trọng nhất để áp dụng ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu cho nhân loại cho đến thời gian cuối cùng, để ban ơn cứu độ cho những ai muốn lãnh nhận

Khi chúng ta tham dự với lòng tin và ước muốn nhận lãnh ơn cứu chuộc thì sẽ nhận được đầy đủ và hữu hiệu như Chúa Giêsu đã ban cho những ai tin và thành tâm muốn lãnh nhận lần đầu tiên khi Người tế lễ Đức Chúa Cha trên Thánh giá năm xưa. (xem Hiến Chế Lumen Gentium, #á 3)

Có lẽ đây là một quan niệm rất bài bản và truyền thống và rất thích hợp cho những ai muốn hy vọng hưởng ơn cứu độ. Cụ thể là hy vọng đời sau được hưởng mặt Chúa trên thiên đàng - Hy vọng thôi nhé! Vấn đề hy vọng nhiều hay ít còn tuỳ thuộc mỗi cá nhân sống trên đời này ra sao. Xin nhắc lại một lần nữa: Đời Sau, chứ không phải ngay tại đời này. Nhưng ….

Nhưng … khi thực hành mới thấy chẳng dễ dàng chút nào. Có thể nói còn khó hơn mò kim đày biển.

Chúng ta, những người Kitô hữu, đã từng chịu phép rửa nhưng rõ ràng hầu hết chúng ta chưa thấy mình được tái sinh vào sự sống mới. Vẫn tiếp tục lê lết trong lối sống cũ - trong cơn ngủ mê dài, trong bóng tối sự chết. Ơn cứu độ vẫn còn xa xôi mịt mùng.

Còn việc thực hành giáo lý của Chúa nghĩa là mến Chúa và yêu người còn khó hơn bay lên trời dù là bay với cách chim đại bàng.

Mến Chúa hay yêu Chúa rất khó vì tôi tội lỗi cần phải nhờ Chúa cứu độ thì lập tức mối tương quan giữa Chúa và tôi trở nên nghìn trùng xa cách. Tôi chỉ có thể tôn thờ Chúa trong niềm kính sợ chứ không thể yêu thương thoải mái được.

Yêu người còn khó hơn nhiều vì ngay vợ chồng đầu ấp tay gối mà còn đụng chạm; anh em làm việc với nhau mà còn gây tổn thương cho nhau, huống gì đôi khi phải đối mặt thường xuyên với những người khó ưa, khó tính làm sao mà yêu cho nổi. Việc yêu thương người như mình ta vậy Amen, đọc thuộc lòng như cháo mỗi ngày Chúa nhật, nhưng khi thực hiện quả là chua hơn dấm, không dễ chút nào cả. Ngoài ra, nhiều khi mang tiếng là yêu người mà lại hoá ra yêu cái danh thơm tiếng tốt tiếng của thằng tôi. Tôi ra sức làm việc tông đồ - bác ái càng nhiều càng tốt lúc đầu là vì đức ái Kitô giáo nhưng dần dần người ta âm thầm hoặc công khai khen ngợi tôi. Từ đó trở đi, tôi vẫn tiếp tục làm việc tông đồ - bác ái nhưng động lực đã từ từ chuyển biến sang bảo tồn danh dự cá nhân. Tôi càng lớn lên, còn Ngài càng nhỏ đi.

Còn chuyện từ bỏ tội lỗi quả là một chuyện dài nhiều tập kéo dài suốt cuộc đời. Vì vẫn tiếp tục trong lối sống cũ, nên chuyện từ bỏ mọi tội lỗi trở thành không tưởng. Mới xưng tội xong, chỉ một tuần sau, thậm chí mới vài ngày sau lại đã tái phạm. Con người bị sinh ra trong tội lỗi mà! Con người phàm hèn mà! Quyết tâm rất mạnh mẽ, nhưng lại sa ngã rất dễ dàng bởi vì cứ lấy sức mạnh ý chí của con người xác thịt vốn rất đỗi yếu đuối. thế thì mong gì nhận được Ơn cứu độ.

Cuối cùng, ta vẫn biết rằng Thánh Lễ hay Hy Tế đền tội và tạ ơn ( Eucharist) là phương tiện cao trọng nhất để áp dụng ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu cho nhân loại Nhưng kỳ lạ thay ta đã đi hàng ngàn thánh lễ, rước lễ cũng hàng ngàn lần. Lẽ ra ta phải gần Chúa hơn, trái lại càng lớn ta lại càng cảm thấy xa Chúa. Tôi quả thực không hiểu Thánh lễ đã áp dụng ơn cứu chuộc như thế nào mà hơn 6000 lần tham dự thánh lễ, ơn cứu chuộc vẫn mịt mù xa xôi !! Còn lời dạy Khi chúng ta tham dự với lòng tin và ước muốn nhận lãnh ơn cứu chuộc thì sẽ nhận được đầy đủ và hữu hiệu. Thú thật tôi không tài nào cảm nhận được điều này. Chúng ta ai lại chẳng tin Chúa ngự qua hình bánh ?! nhưng chuyện sẽ lãnh nhận được đầy đủ và hữu hiệu ơn cứu chuộc thì sao vẫn mơ hồ mông lung.

Có một hôm, chúng tôi đã nêu thắc mắc với một linh mục: Chúng ta lãnh nhận ơn cứu độ vào lúc nào? Có phải ngay sau khi rước Chúa chăng? Phải rước lễ bao nhiêu lần mới được lãnh nhận? Hay là đợi đến khi chết đi, chúng ta mới được truy lãnh đầy đủ và hữu hiệu ơn cứu độ cùng một lúc cho tiện?

Vị linh mục đó trả lời: Hiện nay chúng ta hãy cố gắng, cố gắng và chỉ còn biết hy vọng, hy vọng vào ơn cứu độ sẽ được Chúa ban sau khi chúng ta chết mà thôi!!! Không ai có thể vỗ ngực tuyên bố là mình đã được cứu độ ngay ở đời này!!!

Như vậy lý thuyết đã vẽ ra cả một tương lai rực sáng nhưng thực tế lại là một khu rừng âm u mờ tối dường như khó tìm ra lối thoát. Bởi lẽ theo ánh mắt nhân loại, chúng ta chỉ có thể cố gắng và cố gắng giữ những điều đã được dạy, rồi hy vọng và hy vọng…. ơn cứu độ đời sau mà thôi.

Xem tới đây, một số độc giả sẽ nêu ra một vấn nạn có vẻ hóc búa dựa vào tâm sự của thánh Phaolô: Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm (Rm 7:19) Và Phao-lô đã thét lên gần như tuyệt vọng: Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? (Rm 7:24). Ngày xưa, chúng tôi cũng đã từng dựa vào lời này như một cánh phao cứu hộ để biện minh cho sự yếu đuối, vấp ngã của mình. Và lấy đó làm bình phong để an tâm ngủ yên trong con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối. (Ep 4:22). Chính tư tưởng này như viên thuốc độc tai hại đã tiêu diệt ý chí phấn đấu muốn vươn lên thoát khỏi ách nô lệ của bóng tối.

Nhưng có một điều đáng tiếc là chúng tôi lại không chịu đọc ngay câu tiếp theo: Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta! (Rm 7:25) và đặc biệt là 2 câu đầu của chương 8 Vậy giờ đây, những ai ở trong Đức Ki-tô Giê-su, thì không còn bị lên án nữa. Thật vậy, luật của Thần Khí ban sự sống trong Đức Ki-tô Giê-su, đã giải thoát tôi khỏi luật của tội và sự chết. (Rm 8:1-2). Việc giải thoát khỏi luật của sự tội và sự chết - hình ảnh hoả ngục - chính là chìa khóa mở ra ơn cứu độ theo ánh mắt tâm linh.



Rất mới lạ và đầy hấp dẫn: ƠN CỨU ĐỘ Theo ánh mắt tâm linh.

Mang lối nhìn nhân loại, có người đã phải lần mò trong đêm tối hàng mấy chục năm. Làm sao tìm được ánh sáng cứu độ bây giờ ?? Có lẽ chúng ta thử thay đổi quan niệm xem sao.

Theo ánh mắt tâm linh: Ơn cứu độ mang lại cho ta sự sống đời đời. Điều kiện nghe cũng có vẻ đơn giản hơn: Thật, tôi bảo thật các ông: Ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống. 25 Thật, tôi bảo thật các ông: giờ đã đến - và chính là lúc này đây - giờ các kẻ chết nghe tiếng Con Thiên Chúa; ai nghe thì sẽ được sống.26 Quả thật, Chúa Cha có sự sống nơi mình thế nào, thì cũng ban cho người Con được có sự sống nơi mình như vậy (Ga 5:24-26)

Điều kiện: Lắng nghe Lời Chúa bằng cách cá nhân hoá và nội tâm hoá.

Ai nghe lời tôi (Đức Giêsu). Lời Đức Giêsu theo nghĩa hẹp là những lời được ghi chép trong tin mừng. Hiểu theo nghĩa rộng là toàn bộ tân cựu ước. Nói cách khác đó là Lời Chúa. Lời Chúa trong Kinh Thánh thì mênh mông và có nhiều cách nghe như dụ ngôn Người Gieo Giống. Một trong những cách nghe sinh hoa kết quả đó là cá nhân hoá và nội tâm hoá. Chúng ta đọc từ từ và dừng lại thật lâu lời nào khiến mình tâm đắc. (Xin xem lại Đọc Kinh Thánh theo ánh mắt tâm linh. Maranatha số 22). Tất nhiên là mỗi người sẽ tâm đắc và nếm cảm những Lời Chúa khác nhau. Nhưng chắc chắn một khi Lời Chúa thấm dần vào tâm hồn thì tất cả đều có thể đồng cảm với nhau một các dễ dàng vì lý do sau đây:

Trước kia, họ là những kẻ chết - Kẻ chết ở đây biểu tượng cho tình trạng sống đạo theo thói quen, ai sao tôi vậy, họ sống mà như ngủ mê, vật vờ trong bóng tối sự chết. Nay nhờ Lời Chúa là Thần Khí và là sự sống đã giúp họ từ từ thức dậy sau bao ngày ngủ mê, giúp họ trỗi dậy từ cõi chết. Lúc đó họ cảm nhận rất rõ Chúa đã chiếu ngời ánh vinh quang sự sống, tình yêu, sức mạnh của Chúa, không những trên đầu mà cả toàn thân - tâm của họ nữa. Và họ cũng vui mừng thấy mình quả thực đã từ cõi chết bước vào cõi sống. Kể từ đây họ sống không còn là họ sống thuần túy sự sống của thân xác mà họ bắt đầu sống từ nguồn sống của Thần Khí Thiên Chúa đang tuôn trào trong tâm hồn lẫn thân xác của họ.

Nói tới cái chết, chúng ta thường nghĩ ngay cảnh nhắm mắt xuôi tay, yên nghỉ trong mộ, về cõi vĩnh hằng. Thực ra, theo ánh mắt tâm linh thì cái chết được hiểu trong tình trạng sống theo con người cũ, con người xác thịt, tất cả quy về mình. Đây chính là tình trạng chết về phần tâm linh. Thánh Phaolô đã chia sẻ: Nếu anh em sống theo tính xác thịt, anh em sẽ phải chết; nhưng nếu nhờ Thần Khí, anh em diệt trừ những hành vi của con người ích kỷ nơi anh em, thì anh em sẽ được sống.(Rm 8:13). Thêm vào đó, Ngài còn khuyên nhủ: Anh em là những người sống đã từ cõi chết trở về, anh em hãy hiến toàn thân cho Thiên Chúa, và dùng chi thể của anh em như khí cụ để làm điều công chính, phục vụ Thiên Chúa.(Rm 6:13) Sống, chết ở đây chắc chắn phải hiểu theo ý nghĩa hoàn toàn tâm linh chứ không thể hiểu theo nghĩa xác thịt. Rất có thể ta khỏe mạnh như một võ sĩ, nhưng theo ánh mắt tâm linh: ta lại như một tử thi biết đi.

Một vấn đề khá thú vị: đó là lúc nào thì ta biết được chắc chắn rằng ta là những người sống từ cõi chết trở về. Chính Đức Giêsu đã trả lời: Giờ đã đến - và chính là lúc này đây.(Ga 5:25)

Chúng ta hiểu như thế nào? Sau một thời gian thấm nhập Lời Chúa và thực tập sống theo những gì mình khám phá thì bỗng nhiên một ngày nào đó, quan niệm của ta hoàn toàn thay đổi, cái nhìn của ta cũng trở nên sâu thẳm hơn. Thấy người ta đi lại, tranh giành.. mà ta tưởng như họ đang diễn tuồng. Thật đó, mà cũng giả đó. Rõ ràng nhất là trước kia tôi chỉ thấy thằng tôi ăn-uống-ngủ-nghỉ, vui-buồn-sướng-khổ, Nay tôi đã dần dần nhận ra sự hiện diện và hoạt động của Chúa ngay trong cuộc đời thường ngày của mình. Cho tới một hôm tôi cảm nghiệm thật mãnh liệt với một niềm xác tìn sâu xa với tình trạng tình thức sáng ngời. Thì đó chính là lúc tôi từ cõi chết bước vào cõi sống. Hay nói cách khác chính lúc đó tôi ý thức mình đã được cứu độ. Cái giây phút mà mỗi người NGỘ không xảy ra cùng một lúc - kẻ trước người sau, nhưng chắc chắn nó xảy ra ngay tại đây, giữa chốn hồng trần đầy vinh hoa phù phiếm với những lời mời gọi cực kỳ quyến rũ của ma quỷ, thế gian và xác thịt.

Một khi đã từ cõi chết trở về, họ mới cảm nghiệm được tất cả hương vị sảng khoái của lời khẳng định của thánh Phaolô: Vậy giờ đây, những ai ở trong Đức Ki-tô Giê-su, thì không còn bị lên án nữa. Thật vậy, luật của Thần Khí ban sự sống trong Đức Ki-tô Giê-su, đã giải thoát tôi khỏi luật của tội và sự chết.(Rm 8:1-2). Thánh Phêrô cũng đã hoan hỉ chia sẻ: Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền. (1Pr 2:9) Việc giải thoát khỏi luật của sự tội và sự chết để bay vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền là một minh chứng hùng hồn của ơn cứu rỗi. Và Ơn cứu độ lúc này mang đặc tính quả là mới lạ và đầy hấp dẫn. Nỗi sợ hãi ngày xưa đã tan biến nhường cho niềm hoan lạc và bình an trong Thần Khí Thiên Chúa.

Xin lưu ý quý vị 2 điều:

Nói như vậy thì ta gạt bỏ Thánh Lễ và Bí Tích sao? Xin thưa rằng Không, Không đời nào! Vì từ khi cá nhân hoá lời Chúa, thì ta bắt đầu nhìn theo ánh mắt tâm linh. Tâm hồn ta thanh thoát vì đã được giải thoát vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền. Từ đó, ta vui hưởng Bí tích một cách hân hoan, một cách ý thức và một cách chủ động; chứ không phải chịu phép Bí Tích một cách vô ý thức hay làm cho xong một bổn phận kẻo phải mang tội. Cụ thể là trong Thánh Lễ ta chăm chú nghe lời Chúa và bài giảng của chủ tế. Lòng ta ấm lên khi Lời Chúa thấm một chút vào tâm hồn. Ta tích cực đối đáp và cùng hát với cộng đoàn: Tôi sẽ cầu nguyện với tấm lòng, nhưng cũng cầu nguyện với trí khôn nữa. Tôi sẽ ca hát với tấm lòng, nhưng cũng ca hát với trí khôn nữa ( 1Cr 14:15) Rồi trong phần hiệp lễ, ta vui vẻ mời gọi Chúa vào lòng mình để xác tín và sống trong tình yêu Chúa mạnh mẽ hơn, chứ không chỉ lên rước lễ như một tên ROBOT ngày xưa…

Còn một điều dễ gây hiểu lầm: không phải là hiện nay, sau khi từ cõi chết bước vào cõi sống là ta lập tức trở thành thánh sống. Ta luôn sống như Chúa sống. Ta coi thế gian như rác. Hoàn toàn không phải như vậy. Thời gian đầu, ta thực tập sống kết hiệp với Chúa quả là cam go và chua chát như cảm nghiệm của cô con dâu cứng đầu LTCT trong Maranatha số 36. Chỉ vì tiếng nói xác thịt của con người cũ suốt mấy chục năm qua luôn luôn muốn giành quyền làm vua, làm chủ, luôn tìm cách khẳng định con người mình. Do đó, mới đầu, mỗi ngày ta nhớ Chúa và tập sống với Chúa giỏi lắm chừng 10 phút là cùng. Nhưng như vậy còn hơn trước kia ta chẳng nhớ Chúa được 5 giây. Rồi tháng năm trôi qua, thời gian ta sống với Chúa tăng lên và tình thân của ta với Chúa cũng nồng thắm hơn một cách tự nhiên và vững mạnh.

Tóm lại, Ơn Cứu độ quả là một đề tài thú vị và hấp dẫn. Vấn đề còn lại là mỗi người trong chúng ta lên kế hoạch thực hiện cho riêng mình để chúng ta có thể vui hưởng ơn cứu độ ngay ở đời này. Đây là những tâm tình phát xuất từ cảm nghiệm cá nhân, xin chân thành chia sẻ với quý vị, chứ không dám nêu ra để làm mẫu đâu! Rất mong quý vị thông cảm và hiểu cho. Ước mong Mùa Phục Sinh năm nay - dù đã là tuần cuối cùng trước khi Chúa thăng thiên - sẽ là bệ phóng siêu nhiên mà chúng ta cùng nhau quyết tâm Hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi - đối với nếp sống đạo hình thức của con người cũ - nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa, trong Đức Ki-tô Giê-su.(Rm 6:11). Chúng ta cùng hát vang lên trong mùa Phục-sinh-viên-mãn-tâm-linh: Alleluia! Alleluia! Thần Khí ngự trong chúng ta, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong chúng ta, mà làm cho thân xác của chúng ta được sự sống mới.(Rm 8:11)Alleluia! Alleluia!

CHỨC TƯ TẾ DO PHÉP RỬA

Khổng Nhuận



Bài tin mừng Chúa nhật thứ Hai mùa chay vừa đi qua, nhưng ý nghĩa vẫn còn mãi mãi thâm sâu

Đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giê-ru-sa-lem.22 Các người thờ Đấng các người không biết; còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do-thái.23 Nhưng giờ đã đến -và chính là lúc này đây- giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật(Ga 4:21-23)

Thờ phượng trong Thần Khí và sự thật là một điều rất khó hiểu đối với đa số giáo dân vì Thần Khí và chân lý vừa vô hình vừa mang vẻ cao siêu huyền bí.

Để dễ hiểu hơn, chúng ta có thể tìm hiểu việc thờ phượng với thiên chức tư tế do Phép Rửa.

Qua bài “Giáo dân thời giáo hội sơ khai:những viên gạch xây dựng một nền thần học giáo dân”, Lm Phan Đình Cho đã bàn về chức tư tế do phép rửa do Phép Rửa khá lý thú và đưa ra những kết luận tích cực sau đây:

Mọi Kitô hữu được trở thành tư tế do phép rửa và vì thế họ (giáo hoàng, giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân) đều bình đẳng với nhau do được tham dự vào chức tư tế của Chúa Giêsu Kitô, là phẩm giá cao nhất của mọi Kitô hữu. Không có một chức tư tế nào khác trong giáo hội cao trọng hơn chức tư tế này.

Theo lược đồ này thì Giáo hội gồm thành phần đại đa số Giáo dân và một phần thiểu số gồm linh mục, giám mục, giáo hoàng, mà mỗi thành phần đều mang một sứ vụ chuyên biệt - tuỳ hoàn cảnh, nhưng tất cả các sứ vụ đó đều nhắm vào lợi ích cho toàn giáo hội. Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí.5 Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa.6 Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người.7 Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung..(1Cr 12:4-7)

Vậy giáo dân mang những sứ vụ nào? Có nhiều, nhưng trong khuôn khổ bài này chúng ta cùng nhau bàn về sứ vụ tư tế do phép rửa.
Tế tự hình thức: Đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha,
không phải trên núi này hay tại Giê-ru-sa-lem

Nếu chỉ hiểu theo nghĩa tế tự bên ngoài thì vô phương. Ngay cả những người trưởng thành cũng dễ lâm vào cảnh bị động vì chủ tế hầu như bao sân tới 80%. Giáo dân chỉ đáp vài câu, hát vài bài, nhiều nơi ở Viêtnam khoán trắng cho ca đoàn. Cuối cùng thì giáo dân cũng chỉ chủ yếu là xem lễ và nghe hát. Còn chức tư tế dường như cũng chỉ để lộng kiếng (liệng cống!)mà thôi! Hơn nữa, nếu chỉ hiểu theo nghĩa tế tự thì thời gian dành cho sứ vụ này quá ít - nhiếu lắm là 2 tiếng đồng hồ một tuần - khi tham dự lễ ngày Chúa nhật. Tính theo tỷ lệ 2/ 168 giờ
Tế tự tâm linh: Những người thờ phượng đích thực
sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật

Như vậy tư tế phải được hiểu theo nghĩa tâm linh.

1. Nói tới tư tế chúng ta thường hiểu là dâng hiến,

"Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy."(Cr 11:24)

Đức Giêsu đã làm gương cho chúng ta bằng cách hiến dâng chính mình trên đồi Can-vê, vậy chúng ta cũng cần phải nghe theo thánh Phaolô

Anh em là những người sống đã từ cõi chết trở về, anh em hãy hiến toàn thân cho Thiên Chúa, và dùng chi thể của anh em như khí cụ để làm điều công chính, phục vụ Thiên Chúa.14 Tội lỗi sẽ không còn quyền chi đối với anh em nữa, vì anh em không còn lệ thuộc vào Lề Luật, nhưng lệ thuộc vào ân sủng.(Rm 6:13-14)

Thế nào là hiến toàn thân cho Thiên Chúa? Trước kia chúng tôi đã từng nghe các cha dạy rằng: Sáng sớm dâng cả ngày cho Chúa thì cả ngày hôm đó coi như đã được thánh hoá. Nhưng rồi chúng tôi nhận ra rằng không phải như vậy. Sống với Chúa phút nào thì mới được phút ấy. Chính vì vậy chúng ta mới nhắc nhở nhau: trong mỗi ngày, nên dành nhiều giây phút Thức Tỉnh để ý thức chúng ta chỉ là khí cụ còn Chúa mới chính là người đang thực hiện và làm chủ công việc của mình qua bàn tay, môi miệng của mình..Càng nhiều lần càng tốt – đây cũng chính là hiến dâng thân mình - thực hiện vai trò tư tế của mình một cách sống động nhất, thánh thiện nhất, đẹp lòng Chúa nhất.

2. Thêm vào đó, thực thi ý Chúa cũng là một cách thực hiện chức vụ tư tế một cách sâu xa và đích thực .

Đức Ki-tô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể.6 Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội.7 Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, (Dt 10:5-7)

Ý Chúa là một vấn đề gay go, tế nhị, và dễ bị người ta sử dụng để sai bảo, cai trị cấp thừa hành với chiêu bài: Ý huynh trưởng là ý Chúa. giữa những ý kiến khác nhau thì ý của huynh trưởng nào cao nhất trong đám sẽ mặc nhiên coi là ý Chúa. Tai hại hơn nữa, người ra thường dùng ý của huynh trưởng là ý Chúa để khủng bố tinh thần anh em với lý luận: Ở trên giao công tác mà không nhận thì làm việc cho Satan. Còn cấp dưới mà có ý kiến khác, hay dù có sáng kiến hữu ích nâng đỡ cộng đoàn nhưng không hợp ý huynh trưởng cấp cao thì lập tức bị chụp mũ là không vâng phục, làm rối loạn trật tự cộng đoàn, khiến anh em hoang mang không biết nghe ai!!

Thực ra, theo ánh mắt tâm linh, có một tiêu chuẩn khá rõ: khi làm bất cứ việc gì nếu chúng ta làm với ý thức giống như Đức Giêsu: Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình.(Ga 14:10) thì chắc chắn những giây phút đó chúng ta đang thực thi ý Chúa. Tôi xin phép được nhắc lại chỉ những giây phút ý thức Chúa thực sự sống trong ta mới có giá trị, bởi vì có khi chỉ 3 phút sau, hàng chục tiếng nói thế gian, tiếng nói xác thịt chen vào hoặc chúng ta lại tiếp tục làm việc như cái máy thì đừng kể đó là ý Chúa nhé! Tế nhị hơn nữa là rất nhiều trường hợp rõ ràng khởi đấu là ý Chúa nhưng rồi ý tôi nhè nhẹ xen vào, nhưng vì được khoác một áo choàng thánh thiện, nên bên ngoài rõ ràng là chúng ta đang thực thi ý Chúa nhưng ẩn nấp tận đáy lòng - nơi âm u khó phát hiện nhất – cái tôi đang thúc đẩy và giật giây toàn bộ. Thí dụ như tôi muốn loại một tay hay có sáng kiến – tuy có phần tích cực, nhưng dễ làm tôi lu mờ trước những ý kiến độc đáo đó. Thế là tôi mượn bức bình phong “duy trì sự ổn định cộng đoàn” tìm cách loại hắn ta bắng cách thăng chức cho ngồi chơi xơi nước. Cuối cùng hắn nản quá, rời bỏ cộng đoàn. Với tư cách là một người canh cửa, tôi đã loại được một tên làm mất sự ổn định ù lỳ của cộng đoàn; Với tư cách một lính cứu hoả, tôi đã dập tắt những sáng kiến làm mất sự bình lặng của cộng đoàn. Nhưng bề ngoài tôi vẫn an tâm và tự hào là một người làm tròn trách nhiệm một huynh trưỏng cao cấp theo đúng ý Chúa. Hậu quả là hiện nay tôi một mình phải quán xuyết mọi chuyện trong cả cộng đoàn lên tới hàng ngàn thành viên, tôi phải loay hoay giải quyết hết sức lúng túng vấn đề nhiều người rời bỏ cộng đoàn, một vài nơi ra hàng loạt..Rõ ràng khởi đầu là tôi hiến dâng cả đời mình cho Chúa, để thực thi ý Chúa nhưng quá trình thực hiện thì ý của cái tôi xen vào lúc nào không hay.

3. Thánh Phaolô còn đưa ra cách thực hiện tế tự khác - đó là Loan Báo Tin Mừng:

Tôi viết thế là dựa vào ân sủng Thiên Chúa đã ban cho tôi16 làm người phục vụ Đức Giê-su Ki-tô giữa các dân ngoại, lo việc tế tự là rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa, để các dân ngoại được Thánh Thần thánh hoá mà trở nên một lễ phẩm đẹp lòng Thiên Chúa. (Rm 15:16)

Như vậy chúng ta loan báo Tin Mừng cũng là một hình thức thực hiện nhiệm vụ tư tế của một người Kitô hữu.

Thời gian tế tự : Nhưng giờ đã đến -và chính là lúc này đây-

Và đây cũng là một khám phá thú vị với cụm từ Nhưng giờ đã đến -và chính là lúc này đây- ngay lúc này, dù đang ngồi trước máy computer, chúng ta vẫn có thể thực hiện được chức năng tư tế của mình khi chúng ta trầm mình xuống một vài giây để nghe sức sống của Thần Khí Thiên Chúa đang phát nguồn từ con tim tâm hồn, lan tỏa khắp châu thân và thấm vào tận những tế bào nhỏ bé nhất. Đây là thời gian tế tự ngọt ngào bằng những giây phút thực sự sống hiệp nhất với Chúa.



Tóm lại, chức vụ tư tế của giáo dân không chỉ là tế tự bên ngoài – đi lễ, đọc kinh, lần hạt, viếng Thánh Thể, mà còn hiến cả đời mình làm khí cụ cho Thiên Chúa hoạt động qua sinh hoạt đời thường của mình. Đây cũng là cách thực thi ý Chúa một cách tuyệt hảo. Kết quả tất nhiên là ta hưởng được niềm vui và hoan lạc trong Thánh Thần. Từ niềm vui đó, chúng ta náo nức muốn chia sẻ cho người khác Tin Mừng đang nở hoa trong lòng mình - đây cũng là cách tế tự sinh động nhất.

Nhân dịp mùa chay này, chúng ta cùng nhau nhìn lại Thiên Chức Tư Tế của người Kitô hữu để chúng ta có thể “ thi hành vuông tròn mau mắn..” như gương anh cả Giêsu đã thực hiện trong đời sống trên dương thế của Ngài.

MỤC TỬ NHÂN LÀNH: NGƯỜI LÀ AI?

☻Khổng Nhuận

Nói tới mục tử, người ta thường nghĩ ngay tới Đức Giêsu, vị mục tử nhân lành, mẫu mực rồi tới hàng giáo phẩm, hàng linh mục, tu sĩ là những vị đóng vai trò lãnh đạo giáo dân. Trong bài này, chúng tôi xin chia sẻ về người mục tử trong hàng ngũ giáo dân.

Chúng ta cùng nhau tìm hiểu đặc điểm của vị mục tử nhân lành rồi từ đó xác định xem ai có thể đóng vai trò người mục tử theo đúng ý Chúa.


v đặc điểm căn bản của vị Mục tử nhân lành

vị mục tử nhân lành có nhiều đặc điểm rất đáng quý. trong bài chia sẻ này chúng ta chỉ cần khai thác 2 đặc điểm căn bản: : Biết chiên Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha (Ga 10:14-15) và giúp chiên được sống dồi dào Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.(Ga 10:10)

đặc điểm thứ nhất của mục tử nhân lành là Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha Chúa Cha biết tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và biết rất rõ. Nhưng còn tôi thì sao? Tôi đã biết Chúa Cha chưa? vì cái biết này không do bởi kiến thức mà lại do cảm nhận

tôi biết Chúa Cha có nhiều cấp độ: Đầu tiên là biết danh hiệu Chúa Cha. đây là danh hiệu chúng ta nghe từ bé, và chúng ta đã bặp bẹ làm dấu nhân danh Cha… mỗi ngày vài lần. Lớn lên, nhờ học giáo lý, chúng ta biết Chúa Cha là Đấng tạo thành trời đất với các đặc tính siêu phàm: quyền phép vô cùng, thông minh vô cùng, yêu thương vô cùng, công bằng vô cùng, thánh thiện vô cùng, trọn tốt trọn lành, ở khắp mọi nơi… Nói tới Chúa Cha, chúng ta dễ tưởng tượng ra một ông râu dài đạo mạo với vòng ánh sáng trên đầu. Biết về Chúa như thế này thì mới ở trình độ sơ cấp. Còn ở trình độ đại học chúng ta sẽ có dịp phân tích, mổ xẻ từng thuộc tính trên một cách rất bài bản, khoa học và cực kỳ chi tiết mong sự hiểu biết về Chúa rõ hơn. Nhưng cái biết này cũng chỉ là biết bằng lý trí, lý thuyết. Chỉ khi nào, cảm nhận được sự hiện diện thực sự trong tâm mình với một sự xác tín sâu xa không những bằng lý trí mà còn cả bằng tâm nữa thì lúc đó chúng ta mới đạt tới sự hiểu biết đích thực. Đây là yếu tố nền tảng của mọi nền tảng tức là đã cảm nghiệm được hương vị ngọt ngào của việc kết hợp nên một với Chúa. Từ đó chúng ta mới mang cặp mắt Thần Khí để Biết chiên của mình .

Đặc điểm thứ hai của mục tử nhân lành là giúp chiên được sống dồi dào. Đây cũng chính là mục tiêu thiết thực của một vị mục tử công chính. Một khi mình đã cảm nghiệm được cuộc sống dồi dào tràn đầy niềm vui, hạnh phúc và bình an. Chúng ta vừa có kinh nghiệm cá nhân vừa có Thần Khí khôn ngoan của Thiên Chúa thì việc giúp chiên được sống dồi dào sẽ dễ trở thành hiện thực hơn. Tất nhiên là không thể đòi hỏi phải trọn hảo ngay từ khi đóng vai trò làm mục tử, nhưng cảm nhận tới đâu, chúng ta chia sẻ tới đó. Rồi với thời gian, người mục tử ngày càng trưởng thành hơn.

Đặc điểm phụ thêm

Ngoài ra, mục tử còn cần phải biết một chút tâm lý để tùy đối tượng mà dẫn dắt mỗi người khác nhau một chút, chứ không áp dụng ai cũng như ai.

Thêm vào đó, mục tử còn cần phải biết thêm một chút căn bản về tổ chức, quản trị để các thành viên không những tâm phục mà còn khẩu phục nữa. Lý tưởng quá phải không ạ? Quả thực là khá lý tưởng, nhưng vẫn có thể thực hiện được, vì có rất nhiều anh em có tài ở trong cộng đoàn. Nếu ta khiêm tốn tham vấn ý kiến anh em, nhờ họ góp ý, thậm chí nhờ họ giúp một tay trong lãnh vực sở trường của họ. Trường hợp ta là huynh trưởng cấp cao, nếu ta tận dụng những nhân tài bằng cách đề cử họ vào những vai trò mà họ dễ dàng phát huy tối đa khả năng của họ thì lúc đó rất nhiều người trong cộng đoàn sẽ được nâng đỡ về nhiều lãnh vực. Toàn thể các thành viên sẽ sống thật dồi dào không những về tâm linh mà còn về tâm lý, kinh tế, xã hội…nữa.
v Mục tử nhân lành: Người là ai?

Vậy ai là mục tử đây? Xin thưa: Tất cả những ai sống theo gương mẫu Đức Kitô. Nói khác, bất cứ ai hội đủ 2 đặc điểm căn bản trên, hoặc nuôi ý chí quyết tâm đạt được trong thời gian ngắn nhất. Như thế bất cứ thành viên nào trong Giáo Hội đều có thể trở thành mục tử chứ không chỉ dành riêng cho linh mục, tu sĩ. Thí dụ:

Người bố trong gia đình: Trước hết tôi phải học biết về Chúa, tự nâng cao đời sống tâm linh của chính mình qua những trao đổi, chia sẻ với anh em. Thêm vào đó, tôi cũng phải đọc một ít sách về tâm lý trẻ em, người lớn. Với hành trang tối thiểu đó, tôi chăm sóc con cái và chia sẻ những kinh nghiệm tâm linh cũng như cuộc sống trần gian cho con cái với mục đích giúp chúng trở nên người trưởng thành trong xã hội cũng như trong đời sống Kitô hữu đích thực.

Huynh trưởng trong một nhóm, Ngoài việc đóng vai trò ông bố trong gia đình, tôi còn phải đóng vai trò anh cả trong nhóm của tôi. Trong những buổi họp hàng tuần, tôi chia sẻ chân tình những gì tôi cảm nhận về Chúa, nhờ đó họ rút kinh nghiệm và có thể tự lớn lên trong Thần Khí. Ngoài ra tôi còn lên kế hoạch thăm viếng mỗi thành viên mỗi tháng một lần để hiểu rõ hoàn cảnh từng người. Từ đó tôi dễ thông cảm và tìm cách giúp họ sống dồi dào hơn cả phần tâm linh lẫn vật chất.

Huynh trưởng cấp cao của một cộng đoàn lên tới hàng nghìn người tất nhiên người ta đòi hỏi mình phải nhỉnh hơn một chút. Tôi phải nâng cấp trình độ tâm linh của tôi cao hơn nữa, sâu hơn nữa. Ngoài công việc của một nhóm trưởng, tôi thăm viếng, chăm sóc, chia sẻ, nâng đỡ những huynh trưởng thành viên của mình trở thành những mục tử sống mạnh mẽ trong Thần Khí và giỏi năng lực lãnh đạo theo tình thần phục vụ của người tôi tớ thực sự chứ không giả vờ.

Chúng ta thấy đó, nếu mỗi người giáo dân ý thức vai trò mục tử của mình theo mẫu mực của mục tử Giêsu nhân lành và nâng cao trình độ tay nghề của mình thì chắc chắn con cháu chúng ta, những thành viên trong cộng đoàn chúng ta sẽ được sống và sống dồi dào trong bình an hạnh phúc đích thực.

Như vậy chúng ta đang thực hiện vai trò mục tử theo đúng ý Chúa nhất. Vì dưới sự chăn dắt của chúng ta, các chiên (con cháu, thành viên) của chúng ta lớn lên trong Chúa ngày một vững mạnh hơn, để rồi chính họ cũng trở thành những mục tử sống động cho các thành viên mới. Có như thế Mục tử nhân lành Giêsu mới gật gù mỉm cười khi thấy đàn em mình quả thật là giống mình trong việc coi sóc đàn chiên Chúa Cha trao phó.

YÊU MẾN THẦY

Khổng Nhuận



Giả sử vào một buổi chiều thơ mộng với ánh vàng cuối cùng đang mờ dần cùng bóng tối, bỗng Đức Giêsu hiện ra và trìu mến hỏi: “Anh có yêu mến Thầy không?” Đâu còn sợ mấy con mụ tò mò, tọc mạch trong dinh thầy cả thượng tế ngày xưa, chúng ta trả lời với niềm tự tin rất mãnh liệt: “Lạy Thầy, Thầy biết con mến Thầy”. Đức Giêsu lại âu yếm hỏi tiếp: “Làm cách nào anh biết chắc là anh yêu mến Thầy”. Chà! Câu hỏi thật nhẹ nhàng và đơn giản, tự nhiên như mây bay trên trời, suối chảy dưới khe, thế mà vẫn có thể khiến chúng ta cực kỳ bối rối. Chỉ trong vài tích tắc, trí óc phải tính toán nhanh như computer pentium 4, kẻo Đức Giêsu lại bảo ta bịa chuyện. May quá, đây là dịp ta tha hồ kể công: “Lạy Thầy, con sáng đi lễ, chiều đi chầu, tối đọc năm chục kinh. Con tích cực đóng góp tiền bạc xây dựng nhà Chúa thật uy nghi lộng lẫy. Ngoài ra, con còn làm việc bác ái, và Loan Báo Tin Mừng lôi kéo được nhiều linh hồn về với Chúa. Chúa nhớ ghi vào sổ vàng để hôm nào Chúa gọi con về thì cứ chiếu theo đó mà thưởng công cho con nhé." Đức Giêsu vẫn nhỏ nhẹ tâm sự: “Quả thật anh bạn có công rất lớn. Anh đã được thưởng công rồi đó. Ai ai cũng ca tụng anh là người đạo đức. Người ta tôn trọng anh như bậc thầy chỉ dạy chân lý, đâu cần đợi tới giờ chết anh mới được ban thưởng”. Có lẽ chúng ta hơi ngạc nhiên, và lòng chùng xuống: “Lạy Thầy, Thầy nói như vậy ám chỉ con không yêu mến Thầy sao?”. Đức Giêsu liền gợi ý: “Anh bạn vui lòng đọc lại Lời Kinh Thánh trong Tin Mừng Gioan: Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy… Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em.21 Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy." (Ga 14: 15, 20-21).

Người ta thường cho rằng Tin Mừng theo Gioan là một dòng chảy tâm linh miên man, chan chứa tình yêu và sức sống. Tin Mừng này không như một dòng suối phát xuất từ thượng nguồn ra tới bể nhưng nó như một cơn lốc xoáy, những tư tưởng quấn quít vào nhau xoay quanh vào những chủ đề chính. Lời Chúa trong Gio-an như bản tình ca có 3 điệp khúc được nhắc đi nhắc lại theo dòng chảy của tâm hồn. Ba điệp khúc: tình yêu - ánh sáng - sự sống như ba chủ đề của một bản nhạc khi thì được lập lại nguyên văn, khi thì được biến tấu cho thêm dồi dào phong phú. Chính vì thế chúng ta có thể sắp xếp lại như sau cho dễ hiểu:

Khởi đầu là định lý thuận: Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Nhưng ngay sau đó một chút, xuất hiện định lý đảo: Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy. Kết luận: Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy. Đặc biệt và hấp dẫn đó là lời cuối cùng trong đoạn Lời Chúa ngắn ngủi này: và sẽ tỏ mình ra cho người ấy. Tỏ mình ra cho người ấy để làm gì? Xin thưa ngay, chính là để ta cảm nhận được mối tương quan thân mật tuyệt vời giữa Chúa Cha, Chúa con và chúng ta - lại phải vòng lên trên: Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em.

Chúng ta sẽ xoáy vào một vài ý tưởng chính:

Điều răn của Thầy.

Ngay cả một em bé học lớp giáo lý xưng tôi lần đầu cũng có thể trả lời vanh vách câu hỏi đơn giản này: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em." (Ga 13:34)

Anh em hãy yêu thương nhau: Điều răn sao có vẻ đơn giản quá với chỉ một Lệnh truyền duy nhất: Hãy yêu thương nhau. Nếu chỉ hiểu theo nghĩa nhân sinh thì một số câu tục ngữ, ca dao Việt Nam cũng đã ca tụng và khích lệ tình yêu thưong này: Anh em như thể tay chân. Ra ngoài chị ngã, em nâng ngay vào. Rộng hơn nữa: Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn. Cách mạng về, mang vào miền nam câu châm ngôn: Mình vì mọi người, mọi người vì mình. Nếu chỉ hiểu theo nghĩa bên ngoài thì lời dạy của Đức Giêsu và lời dạy của cha ông ta không khác bao nhiêu. Nhưng vế sau mới khiến cho lời dạy của Đức Giêsu mang ý nghĩa sâu thẳm hơn…

Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Chính yếu tố này đã khiến đức ái Kitô giáo mang màu sắc siêu việt. Chúng ta lướt sơ một vài đặc điểm của tình yêu của Đức Giêsu dành cho chúng ta. Trong tình yêu, Ngài đối xử với môn đệ như bạn hữu thân tình, mà còn hết mình phục vụ, quan tâm, chăm sóc và giúp các môn đệ sống một cuộc sống dồi dào. Ngài yêu anh em chúng ta cho tới tận cùng: Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng.(Ga 13:1). Ngài thường xuyên chia sẻ cảm nghiệm tâm linh qua cuộc sống hàng ngày của mình về mối tương quan thân mật với Chúa Cha. Đây cũng chính là nền tảng của tình yêu anh em, nền tảng này bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa. Nếu chúng ta yêu thương nhau,thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta,và tình yêu của Người nơi chúng ta mới nên hoàn hảo. (1Ga 4:12) Mà tình yêu của Ngài nơi chúng ta càng hoàn hảo bao nhiêu thì tình yêu anh em càng sâu đậm và vững bền bấy nhiêu.

Vậy, nếu chúng ta có - tức là đón nhận lệnh truyền và giữ - tức là thực hiện tình yêu anh em theo gương Đức Giêsu thì chắc chắn mình là kẻ yêu mến Thầy đích thực.

Tỏ mình ra cho người ấy. Đây là một yếu tố hấp dẫn dành cho những ai lên đường tìm chân lý. Ngài tỏ mình ra cho chúng ta bằng cách nào? Hiện ra uy nghi sang láng trong khi chúng ta ta cầu nguyện? Hay Ngài hiện ra trong giấc mơ? Hoặc Ngài vo ve những âm thanh huyền bí mà chỉ có ta mới nghe được và hiểu được? Tôi không có những kinh nghiệm trên, nhưng tôi khám phá ra điều thú vị này. Thực ra, tất cả chúng ta là đền thờ Chúa Ba Ngôi ngự - có nghĩa là Ba ngôi Thiên Chúa hằng hiện diện và sống động trong ta. Tuy nhiên, tiếc một điều là không phải cứ rửa tội rồi rước Chúa thì tự động nhận ra Thiên Chúa sống trong mình. Thực tế là chúng ta rước Chúa cả chục ngàn lần mà vẫn cứ trơ trơ - mạnh Chúa Chúa sống, mạnh mình mình sống. Như vậy tới tết Công-gô Chúa cũng chẳng tỏ mình ra được dù lúc nào Ngài cũng náo nức và sẵn sàng. Vì thế tin suông và tuyên xưng trong thánh lễ Chúa nhật không ích lợi gì, cần phải tìm, cần phải gõ kiên trì bằng những suy tư và chia sẻ với các bạn, và tập sống điều mình khám phá thì chắc chắn một ngày nào đó chúng ta cảm nghiệm thực sự và sống động sự hiện diện của Thiên Chúa trong tâm hồn mình - không phải bằng sự suy nghĩ của trí não mà chính là cảm nghiệm bằng tâm. Đó chính là lúc Ngài tỏ mình ra cho chúng ta.

Kỳ diệu thay, cũng từ Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em. Trước kia, chúng ta thường phân biệt Ba ngôi Thiên Chúa riêng biệt nhau: Chúa Cha tạo dựng, Ngài ở trên chín tầng mây uy nghi cao sang, chúng ta là thảo dân hèn hạ, tội lỗi, xấu xa, lúc nhúc dưới phàm trần này. Chúa con cứu chuộc, mặc Ngài lo cứu độ cần mẫn như một ông già lẩm cẩm, còn chúng ta cứ sống tà tà, chuyện cứu chuộc để đời sau mới tính. Chúa Thánh Thần thánh hoá. Ngài cứ việc tha hồ thánh hoá bánh rượu thành Mình Và Máu Thánh Chúa. Còn chúng ta thoải mái lên rước lễ như những tên robot. Thành thử ra hình ảnh Chúa Ba Ngôi bị hoàn toàn méo mó và khô cứng trong tâm thức của chúng ta, theo quan niệm của loài người. Nhưng từ khi Ngài tỏ mình ra cho chúng ta - hay nói cách khác - từ khi chúng ta nhận ra sự hiện diện sống động của Chúa trong tâm hồn ta, ánh mắt của chúng ta đang mờ mờ tăm tối bỗng nhiên từ từ sáng dần ra. Và chúng ta dần dần khám phá ra mình không phải là một tên thảo dân hạng bét mà chính là con yêu dấu của Cha trong tâm tình sống hiệp nhật với Ngài.

Thế rổi một buổi sáng tươi hồng với không khí trong lành tươi mát trên đồi thông vi vu nơi vùng trời Dalat. Đức Giêsu lại hiện ra và giả vờ hỏi: “Anh có yêu mến Thầy không?” Lần trước, ta loạng quạng trả lời theo kiểu Phêrô, lần này ta vui vẻ phấn khởi nói theo kiểu Phaolô (Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc. Rm 8:29) Xin mời Anh Cả Giêsu tới “Quán café Thần Khí” để chia sẻ về tình yêu Chúa Cha . Mắt Đức Giêsu ánh lên niềm vui, mỉm cười: “Ok, Nào ta đi.” Sau khi nhâm nhi vài giọt café Thần Khí cho thấm môi tình yêu, Đức Giêsu nháy mắt hỏi: “Trong Kinh Thánh, em tâm đắc câu nào nhất?”-- “Tôi và Chúa Cha là một.”(Ga 10:30) -- “Tuyệt, còn câu nào nữa không” -- “Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con.”(Ga 17:23). “Em yêu quý, hôm nay anh có thể nói với em theo ngôn ngữ Kinh Thánh. Qua vài lời chia sẻ ngắn ngủi vừa rồi Thầy đã biết anh là kẻ yêu mến Thầy đích thực. Bỏi vì chỉ có tình yêu đích thực mới cảm nhận được mối tương giao thân mật nên một ngọt ngào của những người yêu thương nhau.”

VỊ ĐẠO SĨ THỨ NĂM

Khổng Nhuận



Sau khi Vị Đạo Sĩ Thứ Tư tạm biệt Hài nhi Giêsu, mãi tới năm 1985 Vị Đạo Sĩ Thứ Năm - sống vào cuối thiên niên kỷ thứ Hai - mới lên đường. Vào lúc này, ngôi sao Belem đã biến mất từ đời thủa nào rồi, nên Vị Đạo Sĩ Thứ Năm – bất cứ Kitô hữu nào cũng vốn là Vị Đạo Sĩ Thứ Năm - chỉ còn có thể nhìn lên bầu trời Kinh Thánh để tìm xem ngôi sao nào sẽ hướng dẫn mình tới Chúa .

Sau đây là tâm tình chia sẻ về kinh nghiệm tìm kiếm ngôi sao của Vị Đạo Sĩ Thứ Năm:

Theo kinh nghiệm cá nhân, tôi phải tìm kiếm từng tia sáng một, có khi cả tuần mới bắt gặp một tia sáng, chứ không phải thấy ngay một lúc vì sao sáng chói - huy hoàng ánh quang. Đây là một quá trình cam go nhưng đầy thú vị với những khám phá bất ngờ trong niềm vui lâng lâng.

Tôi không tài nào viết được vỏn vẹn trong vài trang toàn bộ công cuộc khám phá những tia sáng và tập sống trong ánh sáng suốt gần 20 năm qua, vì thế tôi chỉ tóm gọn hết sức và dẫn chứng một vài kinh nghiệm chập chững trong năm đầu tiên qua các đề mục sau:

1. Mục đích

Nghe người ta nói quá nhiều về Thiên Chúa, thế mà tại sao tôi không cảm nhận được Ngài?!. Thế là tôi quyết định lên đường tìm chân lý mà cụ thể là khám phá ra Thiên Chúa của lòng mình .

2. Phương pháp kiếm tìm.

* Đọc Kinh Thánh: Vào lúc đó, thất nghiệp dài dài, chẳng biết làm gì, tôi bèn mang Kinh Thánh ra đọc thật kỹ, ghi chú cẩn thận những câu nào hay theo từng chủ đề như: Chúa Cha, Đức Giêsu, Thần Khí, Tình yêu, Sống đời đời, Ánh sáng, Tự do…. đầy một cuốn 100 trang. Lần đầu tiên trong đời, tôi đọc nghiêm chỉnh từ đầu đến cuối cuốn Tân Ước nhỏ xíu của dịch giả Nguyễn Thế Thuấn.

Sau đó tôi đọc lại lần thứ hai, lần này tôi bỏ bớt những câu không còn hay lắm, mà chỉ ghi lại những câu mà mình thích thôi - chiếm khoảng 70 trang

Lần thứ ba, tôi chép lại trong cuốn sổ tay và chỉ ghi lại những câu tâm đắc nhất chỉ còn khoảng 50 trang. mỗi ngày mang ra đọc đi đọc lại cho nó thấm vào đầu của mình. đây cũng chính là mục đích của việc đọc Kinh Thánh.

* Suy niệm

Nói là suy niệm, nhưng tôi chỉ có niệm chứ không có suy. Tôi ngồi nghiêm chỉnh, và niệm một vài câu do tôi tự chế ra như: Chúa sống trong tôi, tôi sống trong Chúa. Chúa thấm nhập tôi, tôi thấm nhập Chúa. Tôi cứ niệm đi niệm lại một cách rất từ từ chậm rãi để nghe được sự thấm nhập của Chúa vào lòng mình – và mình vào lòng Chúa. Lúc đầu, chẳng cảm thấy gì, nhưng tháng này qua tháng khác, Chúa dường như ngủ quên trong tôi từ từ thức dậy – hay nói cho đúng hơn - bấy lâu nay tôi ngủ mê mệt từ từ tỉnh dậy để nhận ra Chúa vẫn đang sống mãnh liệt trong tôi.

Sau này, khi tôi chia sẻ với bà xã của tôi. Cô nàng cũng thử, nhưng thấy nó kỳ quá, giống như của ai đó, chứ không phải của mình. Thế là cô nàng chế ra một câu khác hợp với mình hơn.

Mục đích của việc niệm này để nó thấm vào tâm của mình. Nhờ đó tôi dần dần cảm nghiệm Chúa thực sự hiện diện và cùng sống với mình.

* Chia sẻ

May mắn thay, ngay trong thời gian đó, một anh bạn cũng tự nhiên muốn lên đường tìm kiếm chân lý. Thế là, trên dường về nhà, anh ấy đều ghé qua chỗ tôi ngồi bán bánh ngọt. Hai anh em trao đổi với nhau khoảng 2 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Chúng tôi chia sẻ cho nhau những khám phá mới, đặt câu hỏi, thậm chí còn như đưa những vấn nạn hóc búa để cả hai phải suy nghĩ suốt cả tuần:

Sứ mệnh chính yếu nhất của Đức Giêsu khi xuống trần gian là gì?

Sứ mệnh chính yếu nhất của bạn là gì?

Tại sao bạn sinh ra?

Linh hồn của bạn ra sao? Nó xuất hiện lúc nào? Bản tánh của nó ra sao?

Hãy nhìn tới 2 quán càfê cóc ở đằng kia. Uống ở quán nào là đúng theo ý Chúa?

Và hàng trăm câu hỏi khác….. dù ngay trong thời gian đó, chúng tôi chưa tìm ra câu trả lời, nhưng đó chính là những động lực khiến chúng tôi phải động não mà suy tư. Nhờ thế mà chúng tôi tiến rất nhanh. Chỉ trong khoảng 6,7 tháng, chúng tôi đã tìm kiếm được khá nhiều tia sáng gom góp thành một vì sao nho nhỏ đủ để chúng tôi khám phá ra khuôn mặt đích thực của Ngài.

3. Kết quả:

Đây là những tia sáng mà tôi nhớ nhất:

* Khám phá đầu tiên khiến tôi sướng đến ngất ngây, đó là tôi nhận ra Chúa yêu thương tôi từ muôn thủa - chứ không phải mới thương từ khi tôi có trí khôn.

Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ,
để trước thánh nhan Người,
ta trở nên tinh tuyền thánh thiện,
nhờ tình thương của Người. (Ep 1:4)

* Khám phá tuyệt vời thứ hai giúp tôi thoát khỏi gánh nặng ngàn cân đè nặng tâm trí tôi biết bao năm qua, đó là tôi không còn bị ám ảnh trước sự khủng khiếp của sự chết và phần phạt, Thế là gông cuồng xiềng xích đã hoàn toàn bị chặt gẫy khi tôi tin rằng : Vậy giờ đây, những ai ở trong Đức Ki-tô Giê-su, thì không còn bị lên án nữa.2 Thật vậy, luật của Thần Khí ban sự sống trong Đức Ki-tô Giê-su, đã giải thoát tôi khỏi luật của tội và sự chết (Rm 8:1-2)

*Khám phá quyết định thứ ba: Không phải đợi tới khi xuôi tay lìa đời, mà là Ngay từ lúc này tôi đã thoát khỏi luật của sự tôi và sự chết để bắt đầu một cuộc sống mới viên mãn trong Chúa: Thật, tôi bảo thật các ông: giờ đã đến - và chính là lúc này đây - giờ các kẻ chết nghe tiếng Con Thiên Chúa; ai nghe thì sẽ được sống (Ga 5:25).

* Từ đó, tôi khám phá ra “Bản đồ sống đạo” đơn giản như sau: Từ muôn thủa Chúa đã yêu tôi. một ngày đẹp trời nào đó, Ngài sinh tôi từ trái tim yêu thương của Ngài. Suốt cuộc sống trần thế này, Ngài yêu thương ấp ủ tôi đêm ngày. Cuối cùng, cũng một ngày đẹp trời nào đó, ngài gọi tôi trở về ngay nơi mà tôi xuất phát – đó chính là con tim thổn thức yêu thương của Ngài.

Chính khám phá này mở ra cho tôi một đại lộ sống đạo thêng thang thoải mái. Biết được nơi mình xuất phát và nơi mình trở về thì không còn gì phải lo lắng nữa. Lúc đó tôi mới thấm được lời Đức Giêsu nói: Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.4 Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi."(Ga 14:3-4) "Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em"(Ga 20:17) Đức Giêsu lên cùng Cha thì tôi cũng lên cùng Cha chứ không lẽ tôi lại đi lang thang ở một góc trời tăm tối nào?!!

* Quan niệm về thế gian: Trước kia, tôi nhìn thế gian này là thực - rất thực - và tôi bị nó quay như dế. Tôi buồn vui, sướng khổ theo nó như cách bèo vô định trên dòng sông cuộc đời. Thế rồi một buổi sáng tháng 7 . 1985, đang đi trên đường , tôi thấy người ta, xe cộ đi lại, nhưng hôm ấy tôi bỗng thấy rất lạ - thực đó mà dường như không thực. Từ kinh nghiệm tuyệt vời này, cuộc sống tôi bắt đầu thay đổi: tôi sống trong thế gian nhưng tôi không thuộc về thế gian này.(Ga 8:23) Thế là từ đó tôi hân hoan sống giữa chốn hồng trần. Dù khó khăn vẫn giang mắc khắp nơi, nhưng tôi không còn cảm thấy nặng nề, khổ sở như trước kia nữa, mặc dù lúc đầu cũng cảm thấy khó chịu một chút.

* Nhờ những tia sáng khám phá trên, tôi dần dần xác tín Chúa thực sự yêu thương tôi, hiện diện và sống trong tôi. Từ đó, cuộc sống đạo của tôi cực kỳ thoải mái, bình an và hạnh phúc - một niềm hạnh phúc êm đềm nhưng sâu thẳm vững bền: “để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn”.(Ga 15:11)

Từ đó tới nay, thấm thoát đã gần 20 năm. Ánh sao - mà Đạo Sĩ Thứ Năm phát hiện – cho tới nay, ngày càng rực sáng. Có một điều rất lạ: Vị Đạo Sĩ Thứ Năm bỗng thấy mình trở thành ánh sao lúc nào không hay. Tới phiên mình Vị Đạo Sĩ Thứ Năm bắt đầu làm nhiệm vụ khích lệ những Vị Đạo Sĩ Thứ Năm khác hăng hái lên đường tìm kiếm Chúa để cuối cùng cũng trở thành ánh sao dẫn đường. Không chỉ là những ánh sao lẻ loi cô độc mà kết thành một giải ngân hà sáng chói rực rỡ ánh hào quang cho hàng triệu Vị Đạo Sĩ Thứ Năm khác nữa.

TÌNH YÊU THIÊN CHÚA

THEO ÁNH MẮT TÂM LINH



Tình yêu Thiên Chúa óng ánh muôn màu kỳ diệu như một viên kim cương lấp lánh dưới ánh nắng ban mai chiếu dọi. Mỗi người mang một ánh mắt nhìn khác nhau



1. Theo cặp mắt nhân loại

Tình yêu Thiên Chúa là một trong những đề tài được nhiều tác giả sáng tác nhất với giai điệu tuyệt vời. Lời ca được dệt từ gợi hứng của Thánh vịnh xoay quanh những ý chính: tình yêu Thiên Chúa vô biên, không bờ không bến. Tình yêu Thiên Chúa vươn lút ngàn mây, như trăng như sao, bao la như biển khơi….



Trong cộng đoàn, anh em thường họp nhau hàng tuần hoặc hàng tháng và chia sẻ cho nhau nghe những ân huệ họ đã nhận được. Tôi đã nghe hàng trăm lời ca ngợi tình yêu Thiên Chúa đại loại như sau:

· Đang thất nghiệp dài dài, bỗng nhận được việc làm ngon cơm do anh bạn giới thiệu.

· Sáng nay, chỉ một ly nữa là tôi bị xe tải nghiến chết!!!

· Chỉ còn một căn nhà nữa là thần hoả đã thiêu rụi nhà tôi rồi!!!

· Học bài chưa kỹ lắm, thế mà Chúa vẫn cho đậu!!!

· Hôm qua, tớ chở hàng lậu, thế mà Chúa đã bịt mắt công an, nên tớ thoát nạn!!!

· Tuần trước, gặp tai nạn ô tô, hành khách bị chết gần nửa xe, số còn lại ai cũng bị thương, trong khi tôi bị văng ra khỏi xe mà chỉ bị trầy xước sơ sơ. Tạ ơn Chúa!!!

· Nhờ cộng đoàn cầu nguyện, chồng tôi đã bỏ được rượu.

· Huynh trưởng bọn tôi làm luộm thuộm vậy mà Chúa vẫn cho cộng đoàn gia tăng số thành viên.

· Thiên Chúa tốt lành quá, bao nhiêu bom đan đều rơi vò khu dân cư bên cạnh còn chúng tôi bình an vô sự !!



Và còn 1001 chuyện kì diệu khác mà Chúa đã làm cho cá nhân và công đoàn….

Rất tốt, rất tốt, nhờ thế mà họ gắn bó với cộng đoàn và nhờ thế, cuộc sống của họ cũng cảm thấy đỡ khổ hơn một chút. Nhưng… xét cho thật kỹ thì có tới 90% ân huệ đều thuộc về những chuyện trần gian. Như vậy đây chỉ là cái vỏ của tình yêu Thiên Chúa. Hay nói cách khác, đây chỉ là phần thêm vào làm cho tình yêu của Ngài có vẻ dễ thấy hơn. Đức Giêsu đã khẳng định Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.( Mt 6:33). Rõ ràng 1001 chuyện kỳ diệu trên chẳng dính dáng gì với nước Nước Thiên Chúa mà chỉ là những điều Ngài sẽ thêm Cho.



Nếu cho rằng đó là cái vỏ, là đồ thêm cho, vậy cái ruột, cốt lõi của tình yêu Thiên Chúa nằm ở chỗ nào?



2. Theo Kinh Thánh



Để chứng tỏ tình yêu của Ngài, Thiên Chúa làm 2 việc:



· Món quà chúng ta có thể thấy được:



Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta
được biểu lộ như thế này:
Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian
để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống.(1 Ga 4:9)



Nói có sách , mách có chứng, không phải do tôi chế ra. Tình yêu Thiên Chúa được biểu lộ không phải bằng hàng ngàn ơn phúc Ngài ban cho tôi, mà chính là ở chỗ Ngài đã sai Đức Giêsu xuống trần để giới thiệu cho tôi một lối nhìn về Chúa Cha, một cuộc sống kết hợp nên một với Chúa Cha - một cuộc sống dồi dào, tự do, bình an và hạnh phúc đích thực.



· Món quà chúng ta không dễ gì thấy được:



Thiên Chúa đã tuôn đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta. (Rm 5:5)



Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được
Thiên Chúa ở lại trong chúng ta,
đó là nhờ Thần Khí,
Thần Khí Người đã ban cho chúng ta.( 1Ga 3 : 24)



Thiên Chúa không tuôn đổ tình yêu của Ngài bằng cách ban cho hết ơn này tới ơn khác, mà Ngài ban cho tôi Thánh Thần – hay nói cách khác – Ngài ban cho tôi chính Thần Khí của Ngài - sự sống của Ngài - để nhờ đó tôi sống bằng chính nguồn sống sung mãn của Ngài ở trong tâm tôi.



3. Theo ánh mắt Tâm Linh



Theo ánh mắt tâm linh, tình yêu Chúa trở nên quý trọng hơn nhiều, sâu thẳm hơn nhiều và đặc biệt là trọn vẹn một cách tuyệt vời.



Nói là Chúa Cha sai Đức Giêsu xuống trần để cho chúng ta được sống dồi dào, tự do, bình an. Nhưng chúng ta thử giở Kinh Thánh ra xem Đức Giêsu đã xác tín như thế nào trong lúc trao đổi với các môn đệ về Chúa Cha trong Gioan chương 14: 7 -10



7 Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người."

8 Ông Phi-líp-phê nói: "Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện."

9 Đức Giê-su trả lời: "Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Phi-líp-phê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: "Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha"?

10 Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình.



Bấy lâu nay tôi cứ tin chắc như đinh đóng cột rằng: có một ông Chúa Cha râu tóc bạc phơ, sai con một của mình là Đức Giêsu xuống trần chịu nạn chịu chết trên cây thánh giá để cứu chuộc nhân loại, còn mình cứ việc vui vẻ hạnh phúc thoải mái trên thiên đàng. Nhưng khi suy đi nghĩ lại đoạn Kinh Thánh này, tôi mới khám phá ra rằng: bên ngoài tôi thấy Đức Giêsu đi đứng, nói năng, làm đủ thứ phép lạ nhưng thực ra Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Đức Giêsu, chính Người làm những việc của mình.



Như vậy, theo ánh mắt tâm linh, tôi đã khám phá ra tình thương của Chúa thật bao la và sâu thẳm đến nỗi chính ngài đã xuống trần qua thân xác của Đức Giêsu, bằng chứng là chính Đức Giêsu đã quả quyết: Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người."

Tình yêu Thiên Chúa đã vươn tới tuyệt đỉnh qua mong muốn của Đức Giêsu: để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta… để họ được nên một như chúng ta là một.



Thêm vào đó, tình yêu Thiên Chúa còn được biểu lộ trong việc Ngài ban Thánh Thần cho tôi. Trước kia, tôi cứ tưởng Chúa Cha như một ông chủ, cầm cái bình HỒNG ÂN rót vào hồn tôi từng giọt ân huệ Thánh Thần … Như vậy, Chúa Cha vẫn ở ngoài tôi và giao tiếp với tôi qua những ân huệ Ngài ban. Nhưng hoá ra không phải như vậy, bằng chứng là câu Kinh Thánh sau đây:



Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương, và biết tự chủ. (2Tm 1:7)



Thánh Thần - Thần Khí - có vẻ giống như món quà Chúa ban cho tôi, nhưng qua đoạn Kinh Thánh trên, tôi mới khám phá ra người cho và món quà là một - Bởi vì Thiên Chúa cũng chính là thần khí. ( Ga 4:24) Nói cách khác, để chứng tỏ tình yêu đối với tôi, chính Chúa Cha hiện diện trong tôi, sống với tôi, nên một với tôi, để tôi cũng được nên một với Ngài. Theo tôi cảm nghiệm, điều này mới là một minh chứng hùng hồn Chúa yêu tôi trọn vẹn, Ngài cho tôi hết – không giữ lại cho mình một chút gì.



Đền đáp tình yêu.



· Những người lãnh nhận ơn Chúa phải đền đáp sao đây trước Tình yêu Chúa bao la như vậy?

Để đáp lại muôn ngàn hồng ân của Chúa, họ chỉ còn biết dâng lời ngợi khen và cảm tạ Chúa. Họ cho rằng như vậy là đủ lắm rồi, còn hơn rất nhiều người - những giáo dân khác không bao giờ biết tạ ơn Chúa.

Họ thường đồng thanh hát : “Hồng ân Thiên Chúa bao la, muôn đời con sẽ ngợi ca ơn Người”. Phải, chỉ biết ca ngợi mà thôi. Chấm hết.



· Theo ánh mắt tâm linh thì không chỉ như vậy. tôi xin kể một chuyện nhỏ nhỏ.

Sau một năm hội họp với nhau, một anh huynh trưởng đã vừa hỏi vừa như căn vặn tôi:

- Sao em chẳng xin ơn gì cho mình vậy?

- Thú thật với anh, từ khi khám phá ra Chúa của lòng mình, em chẳng còn cảm thấy phải xin ơn gì cho mình nữa.

- Trong lời ngợi khen - cảm tạ, sao em lại hay dùng những lời Kinh Thánh, nghe có vẻ lý thuyết, dậy dỗ người khác và không giống như kiểu cách của cộng đoàn.

- Lại phải thú thật với anh, đây không phải là lý thuyết mà là từ trong tâm chân thành của em. Đơn giản chỉ vì em nhận thấy những Lời Chúa đó quả là hồng ân đích thực, sống động trong đời sống của em - chứ không lý thuyết, xa vời như ngày xưa.



Cuộc đối thoại kiểu ông nói gà, bà nói vịt giống như cuộc đàm thoại giữa Đức Giêsu và ông Philipphê. Đức Giêsu đã nói “Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người." thế mà Philipphê vẫn còn cố nài nỉ: “Thưa Thày, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện”. Đức Giêsu hàng ngày sống trong Chúa Cha, nên một với Chúa Cha, đó là chuyện bình thường như ăn cơm, uống nước; trong khi Philipphê tưởng sẽ được gặp một Chúa Cha oai phong lẫm liệt, tràn đầy ánh sáng và quyền uy …



Cũng vậy, có lẽ anh huynh trưởng của tôi quan niệm - với cặp mắt nhân loại: Chúa là Cha nhân lành, Ngài ban muôn vàn hồng ân – bổn phận ta phải cảm tạ, cầu xin, nếu không sẽ là đồ vô ơn, bạc nghĩa với Chúa – nên anh hoàn toàn ngạc nhiên không hiểu tại sao tôi lại không cảm tạ Ngài và đặc biệt là không bao giờ xin ơn Ngài. Có lẽ anh nghĩ: tay này có vẻ kiêu ngạo đây – không cần ơn Chúa.



Trong khi đó, mối quan tâm hàng đầu của tôi là sống nên một với Ngài thì chuyện ngợi khen, cảm tạ và xin ơn cho mình thì có vẻ hơi thừa. Xin ơn gì bây giờ ? trong khi chính Thánh Thần - nguồn ơn Chúa - đang hiện diện và sống trong tôi? Hay nói cách khác: chính Chúa Cha sống trong mình thì còn ơn nào cao trọng hơn? Không lẽ lại nghe anh huynh trưởng, tôi phải để đẩy Ngài ra khỏi lòng mình, tôn Ngài lên làm vua cả nước trời - trên 9 tầng mây, để rồi lại quỳ mọp xuống năn nỉ, ỉ ôi từng ơn, từng ơn theo từng hoàn cảnh - như tôi đã sống từ mấy chục năm trước?



Tại sao vậy ? Đơn giản chỉ vì tôi xác tín rằng: “Đừng tìm xem mình sẽ ăn gì, uống gì, và đừng bận tâm.30 Vì tất cả những thứ đó, dân ngoại trên thế gian vẫn tìm kiếm; nhưng Cha của anh em thừa biết anh em cần những thứ đó.31 Vậy hãy lo tìm Nước của Người, còn các thứ kia, Người sẽ thêm cho”.(Lc 12:29-31)



Thực vậy, đối với tôi, một khi Cha của tôi đã thừa biết và chăm sóc tôi mà tôi còn xin xỏ thì tôi đã phạm vào những tội sau đây:



- Tôi đã xúc phạm tới Chúa khi tỏ ra không tin tưởng tuyệt đối vào tình yêu của Ngài.

- Tôi coi Chúa như ông già lẩm cẫm và hơi lãng tai, nên tôi cứ phải lải nhải: “Xin Chúa lắng nghe và nhận lời chúng con” dường như sợ Ngài không nhận lời cầu xin tha thiết của tôi giữa hàng tỷ người đang chen chúc cầu xin với hàng tỷ tỷ ơn huệ khác nhau.

- Tôi phỉ báng tình yêu bao la của Ngài. Tôi nghĩ rằng: Ngài cũng chẳng quan tâm gì tới tôi giữa hàng tỷ người lúc nhúc trên mặt đất này. Ngài cũng đối xử với tôi theo kiểu thế gian, tức là: Phải đợi con khóc, mẹ mới cho bú tí.



Nói như thế không có nghĩa là tôi bỏ bê việc cầu nguyện. Tôi vẫn cầu nguyện cho con cái tôi, anh em, bạn bè, và những người đang cần được nâng đỡ, ủi an trong giờ đọc kinh tối của gia đình. Nhưng tôi không còn cầu nguyện cho chính mình nữa.



Tóm lại, qua tâm tình chia sẻ ngắn ngủi này, tôi chỉ muốn trình bày và xác tín rằng: cốt lõi tình yêu Thiên Chúa không phải là muôn vàn hồng ân, cũng không phải là những tài năng tôi đã nhận được, mà chính là Chúa Cha đã ban cho tôi Đức Giêsu và Thần Khí của Ngài – hay nói đúng hơn là chính Ngài tự hiến mình vì tôi một cách trọn vẹn. Đó mới chính là bản chất đích thực của tình yêu Thiên Chúa.



Và để đền đáp tình yêu này, ngoài việc dâng lên lời cảm tạ trước mặt gia đình, cộng đoàn, tôi cho rằng sống kết hợp nên một với Chúa theo châm ngôn: Tôi sống, không còn là tôi sống, mà là chính Chúa sống trong tôi – Đó mới là cách đáp đền tình yêu Thiên Chúa một cách cụ thể, sống động và trọn vẹn nhất.